Động thái “đề phòng bất trắc” của 2 ngân hàng lớn - có trụ sở ở TP Edinburgh của Scotland và từng được chính phủ Anh đổ hàng chục tỉ bảng để giải cứu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - diễn ra trong bối cảnh các cuộc khảo sát gần nhất cho thấy hoàn toàn có khả năng Scotland sẽ tách khỏi Vương quốc Anh sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 18-9.
Nỗ lực cuối cùng
Lãnh đạo 3 đảng chính của Vương quốc Anh hôm 10-9 đã tức tốc đến Scotland để đẩy mạnh chiến dịch thuyết phục cử tri Scotland không chia cắt “mối tình” kéo dài 307 năm qua. Đây là lần hiếm hoi Thủ tướng David Cameron của Đảng Bảo thủ, Phó Thủ tướng Nick Clegg của Đảng Dân chủ Tự do và lãnh đạo Đảng Lao động Ed Miliband tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề.
Ông Cameron đã để lộ nhiều cảm xúc khi thúc giục người Scotland bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu ý dân, kèm theo lời đe dọa “nếu Scotland rời khỏi liên minh với Anh thì sẽ không bao giờ có cơ hội quay lại”.
Những người ủng hộ và phản đối Scotland độc lập tranh luận tại Edinburgh hôm 8-9
Ảnh: Reuters
Trái lại, người đứng đầu chính quyền Scotland Alex Salmond gọi cuộc chạy đua với thời gian của nhà lãnh đạo Anh là một dấu hiệu hoảng loạn và chỉ khiến người Scotland thêm quyết tâm giành độc lập.
Trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri, ông Salmond và các đồng minh cho rằng một Scotland độc lập sẽ trở nên thịnh vượng và dân chủ hơn, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cuộc sống người dân.
Mặt khác, giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo Anh sẽ phải đối mặt với sự phản đối trong nước sau khi vội vàng hứa hẹn trao thêm quyền lực để giữ chân Scotland.
Gây hiệu ứng domino ở châu Âu?
Các phong trào đòi độc lập từ Catalonia tại Tây Ban Nha, Quebec ở Canada, Corsica ở Pháp, Kurdistan ở Iraq cũng như nhiều phong trào ly khai ở châu Âu khác đều đang bám sát mọi diễn biến từ Scotland.
Chuyên gia phân tích Naif Bezwan của Trường ĐH Mardin Artuklu (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định cuộc trưng cầu của Scotland “sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ quan trọng”.
Đối với ông Kurt Ryon, người đứng đầu ngôi làng Steenokkerzeel cách thủ đô Brussels - Bỉ 16 km về phía Đông Bắc, theo dõi chiến dịch độc lập của Scotland trong những ngày cuối cùng này không khác gì “một trận bóng hay”.
“Họ thua trong hiệp đầu và gần như toàn bộ hiệp 2. Nhưng hiện tại, khi trận đấu đã tới phút 85, khả năng chiến thắng đang nổi lên” - ông Ryon ví von. Vị trưởng làng này không nguôi mong muốn người Flander bản địa của ông tách khỏi nước Bỉ nên cũng đặc biệt ủng hộ người Scotland “dứt tình” với Vương quốc Anh.
Tại vùng Veneto của Ý, cư dân còn tổ chức cả một cuộc trưng cầu dân ý trực tuyến theo kiểu của người Scotland và kết quả cho thấy cứ 10 người thì có 9 người muốn độc lập.
Trong khi đó, những dòng người Catalan, Nam Tirolean, Corsican, Breton, Frisian… đang lũ lượt tới Scotland để chứng kiến tận mắt cuộc bầu cử “ngàn năm có một” như cách chính phủ Scotland - dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) - tự gọi. Thậm chí cả người Bavaria ở Đức, vốn tự xem mình là nền kinh tế lớn thứ 7 của châu Âu, cũng cử phái đoàn tới Scotland.
Theo báo The New York Times, một Scotland độc lập có thể tạo ra đợt sóng lớn chưa từng thấy ở châu Âu. Đây là lần đầu tiên một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với việc một khu vực đòi ly khai để trở thành thành viên mới của EU.
Cựu Tổng thư ký NATO George Robertson cảnh báo nếu Scotland gia nhập EU thành công thì triển vọng giành độc lập sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với những khu vực đòi ly khai tại châu Âu. “Đó là nguy cơ nghiêm trọng của hiệu ứng domino. Scotland giành được độc lập có thể gây ra làn sóng Balkan hóa ở châu Âu” - ông Robertson nhấn mạnh.
Trung Quốc thấy mà lo
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn với Scotland nhưng lại không hề ủng hộ Scotland rời bỏ Vương quốc Anh. Trong chuyến thăm tới Anh hồi đầu năm nay, khi được hỏi về quan điểm đối với cuộc trưng cầu dân ý của người Scotland, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố ông muốn thấy một Vương quốc Anh thống nhất.
Theo BBC, câu trả lời của ông Lý không nằm ngoài dự đoán khi Bắc Kinh lo ngại các cộng đồng thiểu số trong nước có thể “học hỏi” Scotland.
Tại khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc, Bắc Kinh đang phát động chiến dịch an ninh lớn nhằm trấn áp các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ. Tương tự, làn sóng phản đối ở Tây Tạng cũng làm Bắc Kinh vất vả đối phó. Trong trường hợp Đài Loan, Bắc Kinh tuyên bố có quyền sử dụng vũ lực nếu cư dân hòn đảo tuyên bố độc lập.
Nhà phân tích chính trị Victor Gao của Trung Quốc khẳng định phần lớn người dân nước này không thể tin được Anh có thể cho phép người Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý dẫn tới nguy cơ chia cắt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu còn đánh giá động thái đó “sẽ phá vỡ sự cân bằng ở châu Âu” và thậm chí “ảnh hưởng địa chính trị quốc tế”.
Bình luận (0)