Theo hãng tin Reuters, người dân sẽ bỏ phiếu đồng ý hoặc phản đối đề xuất giảm đáng kể vai trò của thượng viện cũng như quyền lực của các chính quyền địa phương. Ông Renzi nhấn mạnh bước đi trên là cần thiết để đẩy nhanh tiến trình làm luật của đất nước.
Trái lại, theo đài BBC, những người phản đối lo ngại đề xuất sẽ giúp tập trung quá nhiều quyền lực trong tay chính quyền ông. Các đảng dân túy đang vận động chống lại đề xuất trên.
Kết quả cuộc trưng cầu có thể quyết định tương lai chính trị của ông Renzi, người hứa hẹn sẽ từ chức nếu đề xuất bị bác. Các cuộc thăm dò trước thềm trưng cầu ý dân cho thấy tỉ lệ cử tri phản đối đề xuất đang nhiều hơn phe ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cử tri chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Giới phân tích cho rằng tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp sẽ có lợi cho Thủ tướng Renzi. Cử tri trẻ và người dân ở miền Nam phản đối mạnh mẽ nhất chuyện cải cách hiến pháp nhưng họ thường lại không mặn mà với việc đi bỏ phiếu.
Một số đồng minh của thủ tướng Ý thúc giục ông duy trì quyền lực bất chấp kết quả trưng cầu ý dân ra sao. Đài BBC cũng cho rằng ngay cả khi hứng chịu thất bại, ông Renzi có thể vẫn tiếp tục nắm quyền.
Tổng thống Sergio Mattarella có thể yêu cầu ông Renzi thành lập chính phủ mới hoặc bổ nhiệm một thủ tướng kỹ trị cho đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra vào năm 2018. Tuy nhiên, ông Renzi nhấn mạnh sẽ không đóng vai trò nào trong một chính phủ “kỹ trị”, nếu có.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân mà ông đặt cược tương lai chính trị Ảnh: Reuters
Một kết quả bất lợi đối với ông Renzi còn đe dọa đến kinh tế nước Ý - lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Sự quan tâm đang được dành cho sức khỏe các ngân hàng Ý khi các khoản nợ xấu của họ lên đến 380 tỉ USD.
Giới chức Ý cảnh báo tình trạng chính trị bất ổn đến từ kết quả cuộc trưng cầu ý dân có thể khiến nhà đầu tư xa lánh nước này. Các quan chức châu Âu thậm chí lo sợ kịch bản tồi tệ hơn là eurozone có thể lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới.
Trong nỗ lực trấn an thị trường, Bộ trưởng Kinh tế Ý Pier Carlo Padoan hôm 2-12 tuyên bố không có rủi ro về một trận “động đất tài chính” nào cho dù cử tri nói “không” với đề xuất của ông Renzi. Tuy nhiên, ông Padoan không loại trừ khả năng các thị trường sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong vòng 48 giờ sau khi có kết quả trưng cầu ý dân - dự kiến có vào rạng sáng 5-12 (giờ địa phương).
Áo bầu lại tổng thống
Một sự kiện chính trị khác ở châu Âu cũng thu hút nhiều chú ý trong ngày 4-12 là cuộc bầu cử tổng thống Áo được tổ chức lại. Hồi tháng 5, Tòa án Tối cao đã bác bỏ kết quả cuộc bầu cử này do những sai phạm trong quá trình kiểm phiếu. Khi đó, ứng viên tổng thống Alexander Van der Bellen, cựu chủ tịch Đảng Xanh, giành chiến thắng sít sao so với đối thủ Norbert Hofer của Đảng Tự do cực hữu. Các cuộc thăm dò hồi tháng 11 cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho 2 ứng viên là sít sao.
Điều dư luận quan tâm là liệu ông Hofer, 45 tuổi, có trở thành thủ lĩnh cực hữu đầu tiên làm nguyên thủ một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay không. Ông Hofer chủ trương chống nhập cư và từng tuyên bố Áo sẽ nối bước Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU. Trái lại, ứng viên Van der Bellen thân EU ủng hộ chính sách nhập cư tự do, phản đối chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Theo hãng tin AP, chiến thắng của ông Van der Bellen, nếu có, sẽ là động lực đáng kể cho những nhà lãnh đạo ủng hộ EU, chống chủ nghĩa dân tộc tại châu Âu.
Bình luận (0)