Ông Ryacudu phát biểu như trên tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) 2015. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, việc tuần tra chung sẽ gửi thông điệp cảnh báo “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở biển Đông.
Giới chức quân sự cấp cao Mỹ gần đây cũng đề nghị các nước Đông Nam Á tham gia tuần tra chung trên biển Đông nhưng không đề cập Trung Quốc.
Indonesia lâu nay vẫn đứng trung lập đối với tình hình ở biển Đông. Tuy nhiên, khu vực ngoài khơi quần đảo Natuna giàu khí thiên nhiên của nước này cũng bị “đường 9 đoạn” của Trung Quốc “liếm” vào.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh đã "đụng" đến quần đảo Natuna hay chưa, ông Ryacudu trả lời chắc nịch: “Chưa hề”. Ông khẳng định thêm Trung Quốc không có quyền sở hữu quần đảo này vì Indonesia có "chứng cứ lịch sử" ở đó.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng “tuần tra chung với Trung Quốc không phải là một điều không thể”. “Bắc Kinh sẽ mất nhiều thứ nếu biển Đông không ổn định. Thực tế việc tuần tra kết hợp nhiều quốc gia mang lại hiệu quả tích cực, như chống cướp biển ở eo biển Malacca” – ông Hishammuddin lập luận.
Trong một bài phát biểu trước Đối thoại Shangri-La, ông Hishammuddin khẩn thiết kêu gọi các nước Đông Nam Á sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và cảnh báo: “Nếu chúng ta không cẩn thận, (tranh chấp lãnh thổ) sẽ leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại chúng ta”.
Bình luận (0)