Sau khi càn quét thủ đô Tokyo và một vùng rộng lớn ở miền Trung và Bắc Nhật Bản, Hagibis đổ bộ Đông Nhật Bản hôm 13-10, nâng tổng số người thiệt mạng lên ít nhất 25 người, trong đó 1 nạn nhân bị rơi từ trực thăng cứu hộ.
Sở Cứu hỏa Tokyo cho biết nạn nhân nêu trên, một cụ bà trong độ tuổi 70, vô tình rơi xuống đất từ độ cao 40 m trong lúc đang được đưa lên trực thăng cứu hộ ở TP Iwaki, quận Fukushima - một trong những khu vực bị bão Hagibis tàn phá nặng nề ở phía Bắc Nhật Bản.
Theo đài NHK, hơn 6 triệu người trên cả nước đã nhận được lệnh sơ tán khẩn cấp và tính đến ngày 13-10, siêu bão Hagibis đã khiến ít nhất 150 người bị thương và khoảng 425.000 hộ mất điện. "Thiệt hại từ mưa lũ và sạt lở đang diễn ra. Việc quan trọng bây giờ là người dân hành động khẩn cấp để bảo vệ tính mạng của họ và người thân" - một quan chức của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản nhận định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 13-10 tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng, đồng thời cử Bộ trưởng Quản lý thiên tai Ryota Takeda đến các khu vực bị ảnh hưởng. Thủ tướng Shinzo khẳng định chính phủ của ông đang nỗ lực để cứu tính mạng cũng như tài sản của người dân. "Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp trong quyền hạn để hợp tác với các cơ quan và tổ chức có liên quan nhằm khôi phục các dịch vụ sớm nhất có thể" - nhà lãnh đạo Nhật Bản tuyên bố.
Các binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản giải cứu người dân ở TP Kakuda, tỉnh Miyagi, hôm 13-10 Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết khoảng 27.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng với lính cứu hỏa, cảnh sát và các thành viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã được triển khai để hỗ trợ công tác cứu hộ tại quận Nagano và những khu vực bị ảnh hưởng.
Mặc dù Hagibis đã suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới nhưng giới chuyên gia kêu gọi người dân Nhật Bản cẩn trọng với rủi ro lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng. Mọi sự chú ý đang hướng về quận Fukushima - nơi Công ty Điện lực Tokyo đêm 12-10 báo cáo những chỉ số bất thường từ cảm biến theo dõi nước ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi từng bị tê liệt vì động đất và sóng thần hồi năm 2011.
Theo NHK, phần lớn các tuyến tàu cao tốc Shinkansen đi từ Tokyo bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 13-10 sau khi bão đi qua. Dù vậy, ông Nobuyuki Tsuchiya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông ngòi Nhật Bản, cảnh báo tình hình lụt lội có thể trở nên tồi tệ hơn khi các tỉnh xung quanh bắt đầu xả lũ.
Theo Reuters, mặc dù lệnh hạn chế hạ cánh xuống các sân bay Narita và Haneda ở Tokyo đã được gỡ bỏ vào ngày 13-10 nhưng hơn 800 chuyến bay vẫn bị hủy cùng ngày.
Bão Hagibis cũng đã làm gián đoạn kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày của Nhật Bản. Lịch thi đấu vòng loại Giải Đua xe công thức 1 Grand Prix ở TP Suzuka buộc phải dời từ ngày 12-10 sang ngày 13-10 vì bão. Trong khi đó, trận đấu giữa Namibia và Canada trong khuôn khổ Giải Vô địch Bóng bầu dục thế giới dự kiến diễn ra ở TP Kamaishi hôm 14-10 cũng đã bị hủy.
Theo báo The Japan Times, Hagibis là cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản trong 6 thập kỷ qua và thương vong nhiều khả năng gia tăng. Trước đó, khi Hagibis tiến gần Nhật Bản, giới chức nước này kêu gọi người dân "thực hiện mọi biện pháp có thể để gia tăng khả năng sống sót". Người dân nhanh chóng tích trữ nước uống, lương thực và nhu yếu phẩm, khiến nhiều gian hàng siêu thị hết sạch hàng hóa - điều chưa từng xảy ra kể từ sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản hồi năm 2011.
Chưa rõ số phận 2 thủy thủ Việt
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết một tàu chở hàng của Panama đã bị chìm ở vịnh Tokyo vào tối 12-10, thời điểm siêu bão Hagibis đổ bộ vào khu vực này. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên boong tàu có tổng cộng 12 người, trong đó 3 người Myanmar, 7 người Trung Quốc và 2 người Việt Nam.
Vụ chìm tàu, theo TTXVN, đã khiến 1 người chết, 7 người mất tích và 4 người khác đã được JCG giải cứu vào sáng 13-10. Tuy nhiên chưa rõ số phận 2 thủy thủ Việt Nam.
Bình luận (0)