Ngày 15-4, ông Joao Vaccari - thủ quỹ Đảng Lao động cầm quyền Brazil - bị bắt, đẩy vụ án tham nhũng ở Petrobras lên đỉnh điểm khiến chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff lung lay tận gốc rễ. “Vụ tham nhũng này có thể làm thay đổi đất nước chúng tôi mãi mãi” - bà Rousseff thừa nhận với các đồng nhiệm tại Hội nghị Cấp cao G20 Úc 2014.
Dùng tiền tham nhũng vận động tranh cử
Vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil bùng nổ từ tháng 3-2014 khi 9 thẩm phán ít tên tuổi ở Curitiba, thủ phủ bang Parana và cảnh sát liên bang tiến hành chiến dịch “Lava Jato” điều tra Petrobras cùng các đối tác trong ngành xây dựng và công trình công cộng. Họ phát hiện một mạng lưới giao dịch tài chính trái phép khổng lồ tại Petrobras bao gồm tiền lại quả và rửa tiền.
Cỗ máy tham nhũng nói trên vận hành như thế nào? Paulo Roberto Costa, gần 10 năm làm quản lý cao cấp của Petrobras, là người đầu tiên tiết lộ chi tiết mánh khóe làm tiền của Petrobras trong một phiên điều trần trước hạ viện hồi tháng 12-2014. Sáu tháng trước, ông bị bắt nhưng cương quyết không chịu khai, chỉ sau khi cảnh sát khám nhà, tìm thấy nhiều chứng cứ không thể chối cãi, ông mới chịu mở miệng với hy vọng được giảm án.
Cách thức làm ăn khá đơn giản. Petrobras buộc các đối tác mỗi lần ký hợp đồng kinh tế phải lại quả cho công ty. Đồng tiền dơ bẩn này dùng để gây quỹ vận động tranh cử của Đảng Lao động và các đảng trong liên minh cầm quyền, đồng thời chảy vào túi của các sếp trong công ty. Đổi lại, các đối tác có thể kê giá hợp đồng lên đến 20% so với giá trị thực để hợp thức hóa phần lại quả khoảng 3% trên mỗi hợp đồng. Luật bất thành văn này, theo các nhà điều tra, có “hiệu lực” từ năm 1997 và thịnh hành từ thời cựu Tổng thống Lula Da Silva (2003-2011) cho đến ngày bị phát giác.
Mới xem qua 230 hợp đồng, các nhà điều tra đã phát hiện ngân quỹ của Petrobras thất thoát hơn 700 triệu USD. Khám nhà của hơn chục sếp cũ, cảnh sát tìm thấy nhiều xe thể thao siêu sang và tủ sắt chứa đầy tiền mặt và ngọc ngà châu báu. Họ cũng tịch thu được nhiều tranh sơn dầu quý mua bằng tiền tham nhũng, trong đó có tác phẩm của danh họa Salvadore Dali. Cảnh sát đã trưng bày một số bức tranh này tại một nhà bảo tàng mỹ thuật để người dân thưởng lãm.
Phía “đối tác” có ông Eduardo Leite, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Công trình công cộng Camargo Correa, chịu khai báo sau khi bị bắt hồi tháng 11-2014. Ông này thừa nhận đã hối lộ tổng cộng 36 triệu USD cho 2 sếp Petrobras từ năm 2007 đến 2012. Camargo Correa là 1 trong 8 công ty xây dựng công trình công cộng lớn của Brazil. Những công ty đã và đang bị điều tra bao gồm OAS, Odebrecht, Camargo Correa, Mendes Junior, Galvão, Iesa, Engevix và UTC/Constran. Nhiều nhà lãnh đạo công ty và quản lý cao cấp đã bị bắt chờ ngày ra tòa.
49 chính khách bị điều tra
Đến nay, các nhà điều tra ước tính gần 4 tỉ USD đã được dùng trong sơ đồ mạng lưới tham nhũng mang màu sắc chính trị này. Ngày 6-3 vừa qua, tòa án tối cao đã chuẩn y đề xuất của cơ quan công tố cho phép điều tra 54 người tình nghi liên quan đến đường dây tham nhũng và rửa tiền ở Petrobras.
Trong danh sách này có 49 chính khách, bao gồm 25 hạ nghị sĩ, 6 thượng nghị sĩ, 3 thống đốc bang, đa số là đảng viên Đảng Lao động hoặc Đảng Liên minh cầm quyền của bà Rousseff. Những tên tuổi đình đám nhất là Chủ tịch thượng viện Renan Calheiros, Chủ tịch hạ viện Eduardo Cunha và thủ quỹ Đảng Lao động Joao Vaccari. Cả 2 vị chủ tịch thượng và hạ viện đều là người của Đảng Phong trào Dân chủ Brazil, trong liên minh cầm quyền. Phe đối lập cũng có thượng nghị sĩ Antonio Anastasia của Đảng Dân chủ - Xã hội Brazil.
Tổng thống Dilma Rousseff không có tên trong danh sách nhưng uy tín của bà xuống thấp chưa từng thấy - dưới 13%, theo thăm dò dư luận mới nhất. Nhiều người tin rằng bà “không thể không biết”, thậm chí nhắm mắt làm ngơ khi bà giữ chức Bộ trưởng Bộ Năng lượng, cơ quan chủ quản của Petrobras và Chủ tịch HĐQT Petrobras từ năm 2003 đến 2005. Đây là lý do để 1,5 triệu người dân Brazil xuống đường khắp các đô thị lớn nhỏ cả nước ngày 15-3, giơ cao biểu ngữ “đả đảo tham nhũng” và yêu cầu bà từ chức.
Tuy nhiên, muốn truất phế bà phải có chứng cứ cụ thể và chứng minh được bà đã bao che. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Rousseff nổi tiếng liêm khiết khi bà tránh xa những vị bộ trưởng bị tai tiếng song người ta không hiểu vì sao bà do dự khi yêu cầu bạn thân Graca Foster rời khỏi ghế chủ tịch Petrobras khi công ty này lún sâu vào vụ án, nợ nần như “chúa Chổm”.
Mất ngôi ở châu Mỹ Latin
Đối với 20 công nhân cố nán lại cư xá công nhân Pousada do Trabalhador 600 giường ở ngoại ô thị trấn Itaborai, giấc mơ đổi đời nhờ dầu mỏ đã tan vỡ. Họ và nhiều công nhân khác lâm vào cảnh thất nghiệp khi nhà máy lọc dầu Comperj do Petrobras xây dựng đã đóng cửa, ông chủ nhà máy tuyên bố phá sản.
Họ là nạn nhân cuối cùng của “siêu bão” Petrobras. Sau khi vụ án tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil bị phanh phui, nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở quan trọng ngưng trệ vì các chủ thầu xếp hàng nộp đơn xin phá sản, số người thất nghiệp lên đến hàng chục vạn người. Nói chung, Brazil không còn là nền kinh tế mới nổi sáng giá nhất ở châu Mỹ Latin.
Kỳ tới: Chống tham nhũng kiểu Ukraine
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5
Bình luận (0)