Dự án chế tạo mô hình chiếc “máy bay phản lực siêu thanh đầu tiên trên thế giới” Spike S-512 được nhen nhóm bởi công ty hàng không vũ trụ Spike Aerospace có trụ sở tại thành phố Boston, bang Massachusetts – Mỹ.
Tốc độ của chiếc S-512 khi hoàn thiện có thể đạt mức Mach 1.8 (khoảng 2.205 km/h) và dự kiến xuất xưởng vào năm 2018. Ngoài Spike Aerospace, tập đoàn Aerion (bang Nevada – Mỹ) cũng đang phát triển một chiếc máy bay phản lực có tốc độ Mach 1.6 (khoảng 1.960 km/h) và sẽ đưa ra thị trường vào năm 2020.
Mô hình máy bay siêu âm Spike S-512 của tập đoàn Spike Aerospace. Ảnh: Spike Aerospace
Theo ông Vik Kachoria, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Spike Aerospace, vấn đề lớn nhất khi sử dụng loại máy bay siêu thanh là tiếng ồn mà nó gây ra không khác gì tiếng sấm nổ. Đó là kết quả của các đợt sóng xung kích tạo ra khi vật thể bay vượt quá tốc độ âm thanh.
“Nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm chấn động cửa sổ và trần cabin máy bay khiến các bộ phận bị hư hỏng. Một vấn đề nữa là tiếng ồn nghe rất chói tai. Bạn có thể cảm thấy khó chịu khi sống bên dưới đường bay của những chiếc máy bay siêu thanh. Đây là lý do chính mà nhiều quốc gia cấm hoặc hạn chế sử dụng loại máy bay này” – ông Kachoria giải thích.
Một trở ngại nữa chính là vấn đề nhiên liệu cung cấp cho máy bay. Khi tốc độ giảm xuống dưới Mach 1, máy bay siêu thanh sẽ đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn so với bình thường. Nếu không tìm cách giải quyết triệt để yếu tố này, nó không thể bay với quãng đường xa.
Tuy nhiên, tập đoàn Aerion đã nghiên cứu thành công công nghệ SNLF, cho phép thiết kế cánh máy bay mỏng và ngắn hơn các loại cánh máy bay truyền thống. SNLF giúp giảm ma sát cánh 80% và 20% cho toàn bộ khung máy bay, qua đó nâng cao khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Về dự án chiếc Spike S-512, tập đoàn Spike Aerospace cho biết ngoài việc thay thế toàn bộ cửa sổ bằng một màn hình hiển thị cực lớn (trừ buồng lái của phi công), Spike S-512 sẽ có tốc độ nhanh hơn bất kỳ chiếc máy bay phản lực nào hiện có trên thị trường. Bên cạnh đó, thiết kế vượt trội giúp chiếc máy bay giảm tối đa hiện tượng ma sát cũng như tốn ít chi phí chế tạo hơn.
Bên trong cabin của chiếc Spike S-512, các kỹ sư lắp đặt một màn hình hiển thị mỏng nằm sâu trong lớp vỏ máy bay. Hệ thống camera quan sát được gắn trên phần thân của chiếc S-512 phía bên ngoài sẽ tạo nên một “tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục” hiển thị trên màn hình cabin.
Nếu hành khách không thích ngắm cảnh và muốn dành một chút thời gian để chợp mắt, họ có thể làm mờ màn hình hoặc thay đổi hình ảnh trên màn hình hiển thị, chẳng hạn như thành bầu trời đêm đầy sao để nghỉ ngơi. Màn hình còn được dùng để trình chiếu các bộ phim giải trí hoặc tiện lợi hơn là phát các tập tin PowerPoint nếu có một cuộc họp đang diễn ra trong không trung.
Chủ tịch Vik Kachoria cho biết: “Màn hình hiển thị trong cabin máy bay (flatscreen) không phải là một khái niệm xa lạ. Tuy nhiên trong quá khứ, chúng tôi không có các máy ảnh kỹ thuật số với độ phân giải cao để chụp hình toàn cảnh”.
Xét trên góc độ thực tế, việc các kỹ sư đề xuất bỏ đi toàn bộ hệ thống cửa sổ trên máy bay có thể mang lại nhiều lợi ích, bởi quá trình thiết kế và chế tạo thân máy bay sẽ dễ dàng hơn. Không những vậy, vật liệu bổ sung để làm cửa sổ còn tăng đáng kể trọng lượng của máy bay, khiến nó trở nên chậm chạp.
Màn hình hiển thị hiện đại trong cabin máy bay Spike S-512. Ảnh: Spike Aerospace
Ông Kachoria cũng tiết lộ chi phí chế tạo mỗi chiếc máy bay không cửa sổ Spike S-512 vào khoảng 60-80 triệu USD. Nhờ công nghệ mới hiện đại và tiết kiệm, hành khách sẽ được trải nghiệm những tính năng mới trên máy bay siêu thanh dành cho doanh nhân với một mức giá hời.
Nếu được đưa vào sử dụng trong thực tế, Spike S-512 có thể thực hiện các chuyến bay dài đối với doanh nghiệp và khách du lịch tư nhân trong thời gian cực ngắn, ví dụ như từ thành phố New York đến London sẽ chỉ mất 3-4 giờ thay vì 6-7 giờ như trước đây
Hiện công ty Spike Aerospace đang lên kế hoạch thúc đẩy kế hoạch thiết kế chiếc máy bay phản lực mới và dự kiến mang tới triển lãm hàng không EAA Airventure trong năm nay.
Bình luận (0)