Một cơn gió, bi kịch không tưởng
Theo đài BBC, Vasa là một trong những tàu chiến đầu tiên có đến 2 boong tàu đầy súng. Trên tàu còn có những chạm khắc bằng gỗ kể lại nhiều câu chuyện về hoàng gia Thụy Điển.
Thế nhưng, thời khắc huy hoàng của con tàu vừa “khủng” vừa đẹp đẽ này ngắn chẳng tày gang. Chỉ 20 phút trong chuyến hải trình đầu tiên, Vasa chìm nghỉm trước ánh mắt hãi hùng của đám đông đưa tiễn, không chỉ giết chết 30 người trên tàu (có nhiều nguồn khác nói con số này là 53) mà còn biến nó thành một trong những thất bại khủng khiếp nhất cũng như bí ẩn nhất lịch sử hàng hải.
Mô hình thu nhỏ của tàu Vasa. Ảnh: Flickr
Khi tàu mới lướt được khoảng 2 hải lý, một cơn gió nổi lên, tàu nghiêng về một bên và nước bắt đầu tràn vào thông qua các ụ súng để mở. Cứ thế, tàu chìm hẳn xuống đáy vịnh. Riêng về cơn gió có không ít dị bản. Trong khi BBC gọi là “cơn gió mạnh” thì trang SimScale chuyên về hàng hải mô tả đó chỉ là “cơn gió nhẹ”, vốn chỉ cần 1 người điều khiển tàu bằng tay cũng được.
Viên thuyền trưởng sống sót sau thảm kịch nhưng bị bỏ tù ngay tức thì vì tội thiếu năng lực. Tuy nhiên, một phiên tòa chính thức vào tháng 9 cùng năm đã hủy bỏ tội danh trên và trả tự do cho thuyền trưởng cùng các thuyền viên. Lý do chính xác dẫn đến sự thay đổi này cũng không được công bố.
Vasa nằm yên dưới đáy vịnh hơn 3 thế kỷ cho tới năm 1956, nó được nhà kỹ thuật hàng hải người Thụy Điển Anders Franzen tìm thấy. Tàu được trục vớt từ năm 1959-1961. Sau đó, người ta xây riêng một bảo tàng để trưng bày tàn tích một thời của tàu chiến siêu đắt đỏ Vasa từ năm 1990. Bảo tàng này thậm chí trở thành bảo tàng được tham quan nhiều nhất trên toàn bán đảo Scandinavia, với hơn 1 triệu lượt khách/năm.
Phục chế cảnh trục vớt tàu Vasa từ đáy vịnh Stockholm. Ảnh: Bảo tàng Hàng hải quốc gia Thụy Điển
Vasa khi được trục vớt hoàn toàn vào năm 1961. Ảnh: Flickr
Gần 400 năm, không chắc lời giải đáp
Sau khi con tàu chìm đột ngột, đa phần ý kiến đồng ý rằng nó mất cân bằng nhưng vì sao nó mất cân bằng lại là bài toán hóc búa thách đố các chuyên gia tới tận hôm nay. Theo đài BBC, một số sử gia tin rằng thiết kế của Vasa có vấn đề, còn số khác phỏng đoán nguyên nhân nằm ở chỗ phân bố số lượng súng thần công - vốn đã quá nhiều và nặng tổng cộng tới gần 300 kg - không chuẩn xác.
Trang SimScale lại đi tìm câu trả lời thông qua lịch sử. Ngày 16-1-1625, vua Gustav II Adolf ra lệnh cho Đô đốc Fleming ký hợp đồng với hãng đóng tàu Stockholm để đóng 4 con tàu mới.
Theo kế hoạch, hai tàu nhỏ (dài 33 m) và hai tàu lớn hơn (dài khoảng 41 m) được đóng trong vòng 4 năm. Thế nhưng, chỉ trong vài tháng sau đó, vua Gustav đổi ý nhiều lần, khiến cho những người thợ đóng tàu hoàn toàn hỗn loạn và rối bời.
Đến tháng 9-1625, hải quân Thụy Điển mất 10 tàu, làm nhà vua hạ lệnh phải tăng tốc đóng gấp 2 tàu nhỏ. Cũng khó trách nhà vua bởi thời ấy, hải đội hùng hậu đồng nghĩa với sức mạnh quốc gia trong khi Thụy Điển đã trở thành cường quốc lớn ở châu Âu và kiểm soát phần lớn vùng Baltic.
Tàu chiến Vasa hiện yên vị trong bảo tàng riêng mang tên mình. Ảnh: Flickr, Wikimedia
Trong khi con tàu dài 33 m với súng trên một boong đang được đóng, nhà vua nhận được tin nước láng giềng Đan Mạch đóng tàu có 2 boong súng. Lẽ tất yếu là Đô đốc Fleming nhận được lệnh đóng ngay con tàu dài 41 m với súng thần công có cả ở sàn trước và sàn sau - điều chưa ai làm ở Thụy Điển trước đó. Khoảng thời gian từ năm 1600-1700 đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực thiết kế hải quân, chuyển dần từ 1 boong súng thành 2 boong súng.
Thế là từ thiết kế truyền thống, Vasa trở thành con tàu đầu tiên thử sức với thay đổi lớn. Henrik Hybertsson là chuyên gia đóng tàu thượng thặng kiêm chủ hãng Stockholm nhưng trước tình thế mới cộng với sức ép thời gian, ông không kịp đào sâu nghiên cứu một phiên bản Vasa lớn hơn, phức tạp hơn mà chỉ đơn thuần “tăng quy mô” để biến Vasa gốc 33 m thành Vasa 68 m kèm 2 sàn súng.
Hệ quả là chiều rộng của phần trên tàu Vasa lớn hơn rất nhiều so với phần đáy, kéo trọng tâm tàu lên cao hơn nhiều so với thiết kế ban đầu - SimScale lý giải. Đã vậy, các thay đổi xoành xoạch không được ghi chép cẩn thận, không có chú giải cụ thể và có đến 5 nhóm khác nhau thi công phần thân tàu mà không hề trao đổi nội bộ.
Bi kịch cứ thế ngấm ngầm hình thành mà không ai nhận ra, nhất là sau khi ông Hybertsson đổ bệnh và qua đời vào năm 1627, chưa đầy một năm trước khi Vasa ra mắt.
Vasa đang bị bào mòn và nghiêng dần về phía sàn bảo tàng. Ảnh: Flickr
“Chết” lần nữa?
Khi được trục vớt hoàn toàn vào đúng 333 năm sau thảm kịch, Vasa gần như được bảo tồn hoàn hảo - khoảng 98% phần gỗ đóng tàu còn nguyên khối. Đáy vịnh tối tăm không có ánh mặt trời len lỏi, vùng nước lạnh giá, thiếu oxy làm chậm quá trình hư hỏng trong khi vùng biển ô nhiễm nặng vào thế kỷ XVII ngăn chặn vi khuẩn và “sâu ăn tàu” (một loại ký sinh trùng ăn gỗ khét tiếng) hủy hoại Vasa.
Tuy nhiên, kể từ năm 2000, dấu hiệu hư hỏng bắt đầu lộ ra bề mặt Vasa khi “con tàu được bảo tồn tốt nhất thế kỷ XVII” nằm yên ổn trong bảo tàng riêng của mình.
Một nghiên cứu mới hồi tháng 7 năm ngoái - đăng trên trang Biomacromolecules - chỉ ra Vasa bị phân hủy một cách từ từ và không thể chặn đứng. Phần thân tàu bằng gỗ yếu đi đáng kể, một phần do gỗ dùng để đóng tàu Vasa yếu hơn 40% so với gỗ sồi thông thường và dễ bị axit hóa.
Bảo tàng Vasa. Ảnh: Flickr
Bên trong bảo tàng. Ảnh: The Wired
Năm 2004, bảo tàng nâng cấp hệ thống kiểm soát không khí để đảm bảo độ ẩm bên trong ổn định. Giới chuyên gia cũng nỗ lực thay các bu-lông bằng sắt - được thêm vào để cố định tàu từ thập niên 1960 nhưng nay đã bị ăn mòn - bằng bu-lông thép không rỉ, theo trang The Wired.
Họ cùng chung nhận định rằng không có chuyện tàu Vasa sụp đổ tức thời song con tàu đang bị bào mòn vài mm mỗi năm. Như số phận cách đây gần 4 thế kỉ, Vasa lại nghiêng về một bên, hướng dần về phía sàn bảo tàng.
Dù không mong muốn để niềm yêu thích của người dân Thụy Điển “chết” lần nữa song nhóm nghiên cứu kể trên buộc phải thừa nhận: “Đã quá trễ”. Đồng tác giả nghiên cứu, kỹ sư cơ khí Ingela Bjurhager của Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển), cho hay nhóm của bà hiện tập trung thiết kế một cấu trúc nâng đỡ mới để giúp Vasa duy trì hình dáng.
Bình luận (0)