Bữa tiệc này đã khiến nhiều người phe đối lập tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng tổ chức tiệc tùng xa hoa khi đất nước đang chịu hạn hán nặng nề là khinh thường người dân Zimbabwe.
Nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất của đất nước châu Phi này, ông Mugabe, chính thức tròn 92 tuổi hôm 21-2 và chưa hề có ý định rời ghế khiến cho nhiều thành viên của đảng đối lập phải thất vọng.
Ông Mugabe là nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe kể từ khi đất nước này độc lập năm 1980. Thủ lĩnh trẻ tuổi Pupurai Togarepi của đảng ZANU-PF, đảng của TT Mugabe, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters rằng có hàng ngàn người tham dự và bữa tiệc tiêu tốn khoảng 800.000 USD.
“Tiền không phải là vấn đề ở đây. Không thể nào định giá được sự cống hiến của TT Mugabe cho lịch sử và sự phát triển của đất nước này. Tất cả những thứ đó giá trị hơn tiền bạc” - ông Togarepi nhấn mạnh.
Những bữa tiệc sinh nhật của TT Mugabe được xem là cơ hội bày tỏ lòng trung thành của những người ủng hộ. Tuy nhiên, việc tổ chức tiệc năm nay tại tỉnh Masvingo, nơi đang xảy ra hạn hán, lại làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Tại tỉnh này, khoảng 75% các vụ ngô đã bị tàn phá do điều kiện thời tiết khô hạn. Đợt hạn hán nặng nề nhất tại Zimbabwe kể từ năm 1992 đẩy 3 triệu người vào cảnh đói ăn. Zimbabwe đã phải xin viện trợ gần 1,6 tỷ USD để mua thực phẩm.
Ông Obert Gutu, đại diện của đảng đối lập Bước tiến thay đổi dân chủ (MDC), lên tiếng chỉ trích: “ZANU-PF nên cảm thấy xấu hổ khi tổ chức tiệc sinh nhật xa hoa cho vị lãnh đạo già nua trong khi hơn 90% dân Zimbabwe đang phải sống trong nghèo đói bởi cách cai trị tồi tệ và quản lý kém cỏi suốt nhiều thập niên của Robert Mugabe”.
Ông nói thêm: “Số tiền dùng để chi trả cho bữa tiệc hoang phí này nên được dùng để nhập khẩu ngô nhằm ngăn chặn nạn đói tại tỉnh Masvingo cũng như các nơi khác trong nước”.
Theo những người chỉ trích, chỉ vì ông Mugabe mà Zimbabwe phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Họ cho rằng các chính sách của tổng thống, bao gồm việc tịch thu và tái phân phối các trang trại của người da trắng, đã khiến cho 1 trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất châu Phi bị khủng hoảng sâu sắc trong gần 1 thập kỷ cho đến năm 2008.
Bình luận (0)