Đơn xin tị nạn của Edward Snowden được Sarah Harrison, thành viên của WikiLeaks, gửi đi. Các nước mà Edward Snowden xin tị nạn ban đầu bao gồm 21 nước: Áo, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Ireland, Hà Lan, Nicaragua, Na Uy, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Venezuela, cộng với 2 nước đã gửi đơn trước đó là Iceland và Ecuador.
Theo Ngoại trưởng Na Uy Frode Anderson, đại sứ quán nước này tại Moscow đã nhận được đơn xin tị nạn bằng fax “có thể là từ Snowden” nhưng không thể xác minh chữ ký có phải của Snowden hay không. Phần Lan cũng xác nhận đã nhận được đơn.
Hình ảnh Edward Snowden trên truyền hình tại một cửa hàng điện máy ở Moscow. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, truyền thông Nga đưa tin Snowden đã rút đơn xin tị nạn ở nước này ngày 2-7. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cho hay Snowden rút đơn sau khi nghe về điều kiện mà ông Putin đưa ra. Trước đó, tổng thống Nga tuyên bố sẽ xem xét đơn xin tị nạn với điều kiện Snowden ngừng tiết lộ thông tin mật của Mỹ.
Trong khi đó, một loạt các nước có tên trong danh sách xin tị nạn của Snowden - gồm Đức, Na Uy, Áo, Ba Lan, Phần Lan và Thụy Sĩ - đều cho rằng không thể xem xét yêu cầu của "người thổi còi" nếu anh này không đến đất nước hoặc đại sứ quán của họ.
Đúng lúc này, trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài Russia Today (Nga), Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden nếu được yêu cầu.
Trước đó, Snowden đã buộc tội Tổng thống Mỹ Barack Obama “gây sức ép với các nhà lãnh đạo” của các quốc gia mà anh ta đang tìm cách để được bảo vệ. Có vẻ sự can thiệp này có hiệu quả khi Tổng thống Ecuador Rafael Correa ngày 2-7 cho biết khó có thể chấp nhận cho Snowden tị nạn.
Bình luận (0)