Cảnh sát Pháp hôm 12-1 cho biết có đến 6 thành viên của nhóm khủng bố liên quan đến các vụ tấn công ở Paris - Pháp vào tuần rồi vẫn còn ngoài vòng pháp luật.
Nguy cơ từ 1.400 người Pháp
Trong số này, có một người đàn ông bị nhìn thấy lái chiếc xe được đăng ký dưới tên Hayat Boumeddiene - vợ của Amedy Coulibaly, nghi can bắt con tin tại cửa hàng Do Thái. Hai quan chức cảnh sát Pháp cho AP biết nhà chức trách đang tìm kiếm chiếc xe, đồng thời tiết lộ nhóm khủng bố trên gồm khoảng 10 thành viên, trong đó có anh em Cherif và Said Kouachi (gây ra vụ thảm sát tạp chí Charlie Hebdo hôm 7-1), Coulibaly và Boumeddiene. Danh tính những người còn lại không được cung cấp.
Đài CNN hôm 12-1 cho biết Coulibaly có tên trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ nhiều năm qua. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận Boumeddiene đến nước này hôm 2-1 trước khi đến Syria 6 ngày sau đó. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ công bố đoạn video an ninh quay cảnh Boumeddiene và một người đàn ông tên Mehdi Sabri Belhouchine tại sân bay Sabiha Gokcen ở Istanbul hôm 2-1. T
heo phía Thổ Nhĩ Kỳ, Belhouchine là người gốc Bắc Phi, không có trong danh sách theo dõi và có thể đã đến Syria cùng Boumeddiene. Syria lập tức cáo buộc Ankara cho phép “khủng bố” tự do đi qua biên giới. Đáp lại, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói họ không nhận được yêu cầu ngăn Boumeddiene nhập cảnh.
Nhóm khủng bố nói trên chỉ là một phần của mối đe dọa lớn hơn mà nước Pháp đối mặt sau khi Thủ tướng Manuel Valls cho biết hiện có khoảng 1.400 người sống ở Pháp đã tham gia hoặc đang lên kế hoạch đến Iraq và Syria chiến đấu với các phần tử cực đoan. Trả lời kênh BFMTV, ông Valls thừa nhận: “Số lượng đã tăng mạnh trong thời gian rất ngắn, từ 30 trường hợp khi tôi còn làm bộ trưởng nội vụ (giữa năm 2012) đến 1.400 trường hợp hiện nay”. Con số này cũng tăng thêm 200 so với số liệu công bố giữa tháng 12-2014.
E ngại làn sóng bài Hồi giáo
Theo đài RT, hơn 50 vụ việc chống Hồi giáo, trong đó có cả nổ súng, đã diễn ra ở Pháp kể từ sau vụ thảm sát tại Charlie Hebdo. Cộng đồng Hồi giáo nước này đang kêu gọi tăng cường bảo vệ các địa điểm cầu nguyện của họ và giám sát mạng xã hội.
Trong khi đó, tại TP Dresden - Đức, hàng ngàn người tham gia cuộc tuần hành chống Hồi giáo hôm 12-1, do nhóm Người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây (PEDIGA) tổ chức. Lo ngại căng thẳng leo thang, Thủ tướng Angela Merkel cùng phần lớn nội các Đức tham gia một cuộc tuần hành của cộng đồng Hồi giáo ở Berlin hôm 13-1 nhằm thúc đẩy sự khoan dung, lên án các vụ tấn công ở Paris và gửi thông điệp chỉ trích PEDIGA khi nhấn mạnh Hồi giáo là một phần của nước Đức.
Ngoài ra, làn sóng tấn công theo kiểu “sói đơn độc” - do một kẻ cực đoan hành động - đang đe dọa an ninh toàn cầu. Không chỉ châu Âu và Mỹ, báo The Age (Úc) cho rằng Đông Nam Á phải đề cao cảnh giác. Nguyên nhân do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tích cực tuyển mộ thành viên tại đây. Các phần tử cực đoan Indonesia và Malaysia đang chiến đấu cho IS ở Syria dường như đã thành lập một “đơn vị” chung có tên Katibah Nusantara Lid Daulah Islamiyyah (đơn vị quần đảo Mã Lai). Trong video chặt đầu hàng loạt tù nhân Syria mới nhất, đã xuất hiện một số gương mặt Đông Nam Á. Các nhà chức trách khu vực này lo ngại những phần tử trên trở về quê nhà để khủng bố.
Charlie Hebdo lại đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammad
Biếm họa đấng tiên tri Mohammad cầm tấm bảng ghi “Tôi là Charlie”, kèm hàng chữ “Tất cả đều được tha thứ” sẽ xuất hiện trên bìa của 3 triệu ấn bản tạp chí Charlie Hebdo số ra ngày 14-1.
Họa sĩ Luz cho biết những người sống sót sau vụ thảm sát ngày 7-1 đang nỗ lực để cho ra mắt ấn phẩm mới. Theo luật sư Richard Malka của tờ báo, sẽ có 3 triệu bản được phát hành thay vì 60.000 bản như thường lệ để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Luật sư Malka nói trên đài France Info: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ, nếu không mọi việc sẽ trở nên vô nghĩa”. Ấn bản ngày 14-1 sẽ được in ở 25 nước và dịch ra 16 thứ tiếng. Ban lãnh đạo hy vọng sự ủng hộ của công chúng và doanh số tăng mạnh sẽ vực tờ báo dậy. Theo đài RT, Charlie Hebdo được cho là sắp phá sản trước khi vụ thảm sát diễn ra.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận sai vì không cử đại diện cấp cao tới buổi tuần hành chống khủng bố tại Paris - Pháp hôm 11-1, dẫn đến sự chỉ trích của phe Cộng hòa và giới truyền thông Mỹ. Để sửa lỗi, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thăm Paris ngày 16-1. Dư âm của cuộc tuần hành vẫn chưa lắng khi báo chí Pháp chỉ trích sự có mặt của đại diện một số nước mà họ cho là có vấn đề về tự do ngôn luận và tự do thông tin, như Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Tổng thống Gabon Ali Ben Bongo Ondimba, Quốc vương Abdullah II và Hoàng hậu Rania của Jordan, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri...
Trong một diễn biến khác, tòa án ở Pháp đã kết án 6 tháng tù giam đối với người đàn ông kêu to “Vive le Kalash” (Hoan hô súng Kalashnikov) vào ngày quốc tang các nạn nhân vụ tấn công Charlie Hebdo.
Huệ Bình
Hỗn chiến trên mạng
Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (Centcom) cuối ngày 12-1 thừa nhận đã bị phá hoại trên không gian mạng dù khẳng định máy chủ không bị xâm nhập, không có thông tin mật nào bị đăng tải cũng như không mạng lưới quân sự nào bị phá hoại. Cùng ngày, theo website Market Watch, các trang Twitter và YouTube chính thức của Centcom bị tin tặc ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công. Bọn này đưa lên Twitter của Centcom thông tin được xem là các kịch bản chiến lược cùng hồ sơ và địa chỉ cá nhân của các tướng lĩnh Mỹ. Chẳng bao lâu sau, tin tặc tải tiếp lên trang YouTube của Centcom các đoạn video của IS.
Sự cố trên tương tự vụ việc xảy ra hồi tuần trước khi một nhóm tự xưng là “CyberCaliphate” xóa các trang Twitter của Tập đoàn CBS, kênh WBOC và báo Albuquerque (ở bang New Mexico - Mỹ). Các vụ tấn công xảy ra khi Tổng thống Barack Obama công bố những đề xuất mới nhằm cải thiện khả năng bảo mật mạng của Mỹ theo sau một loạt vụ tấn công lớn, trong đó có vụ nhắm vào hãng phim Sony Pictures mà Washington quy trách nhiệm cho Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, theo trang tin GMA News, sau khi báo Charlie Hebdo bị tấn công hôm 7-1, các tin tặc nhận là người Hồi giáo đã tấn công hàng trăm website của Pháp, tải lên đó thông tin tuyên truyền về thánh chiến. Ngược lại, đài CNN ngày 13-1 đưa tin các tin tặc tự nhận thuộc nhóm Anonymous tuyên bố đã tấn công website thánh chiến ansar-alhaqq.net ở Pháp để trả đũa cho vụ thảm sát ở Charlie Hebdo. Anonymous cũng nêu tên 12 tài khoản Twitter mà họ xác định là của các chiến binh thánh chiến. Gần đây, trong một video tải trên YouTube, Anonymous tuyên bố sẽ theo dõi các website và mạng xã hội liên quan đến bọn khủng bố và đánh sập chúng.
Lục San
Bình luận (0)