Một số người trấn an rằng đó chỉ là tấn công khủng bố theo kiểu “sói cô độc” (nghĩa là một kẻ cực đoan tự mình hành động), chẳng hạn như vụ tấn công khủng bố tại quán cà phê Lindt ở Sydney tháng 12-2014. Thế nhưng, người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Anh gần đây tuyên bố rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đã “đạo diễn hay khiêu khích” 20 âm mưu khủng bố, 3 kế hoạch tấn công của người theo chủ nghĩa cực đoan quá khích bị chặn đứng tại nước này trước khi chúng kịp ra tay.
Ngay cả khi hầu hết các kế hoạch nhắm vào các mục tiêu ở châu Âu, điều đó không có nghĩa các quốc gia Đông Nam Á có thể lơ là cảnh giác. Có nhiều lý do một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra trong khu vực này.
IS đang thu hút các chiến binh ở khu vực Đông Nam Á. Các chiến binh đến từ Indonesia và Malaysia đang chiến đấu cho IS ở Syria dường như đã hình thành một “đơn vị” chung gọi là Katibah Nusantara Lid Daulah Islamiyyah (hay đơn vị quần đảo Mã Lai). Trong video chặt đầu hàng loạt tù nhân Syria mới nhất, đã xuất hiện một số gương mặt Đông Nam Á.
Trên toàn bộ khu vực, từ Khu tự trị Hồi giáo Mindanao (khu vực nằm ở đảo Mindanao của Philippines) đến cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan và đảo Sulawesi – Indonesia, các nhà chức trách quan ngại các chiến binh bị IS chiêu mộ rồi đây có thể trở về, kích động chiến dịch khủng bố mới ở khu vực lẫn châu Á.
Tại những vùng hẻo lánh ở Indonesia, có một số người bị cuốn vào sự hấp dẫn của “thánh chiến”. Trong khi đó, Malaysia cũng được xem như là một điểm trung chuyển cho các cá nhân từ các nước lân cận đến Trung Đông. Đáng ngại là thời gian gần đây xuất hiện thông tin những cựu quân nhân và cựu quan chức Malaysia gia nhập hàng ngũ IS. Trước tình hình này, chính quyền các nước đưa ra nhiều biện pháp ứng phó, trong đó có việc hòa hợp tôn giáo và hòa hợp dân tộc để ngăn chặn bạo lực cực đoan.
Bình luận (0)