Ngày 20-7-1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng sau chuyến đi kéo dài 3 ngày trên tàu Apollo 11 của Mỹ, đánh dấu thành tựu lớn trong cuộc đua không gian giữa Washington và Liên Xô khi đó. Trên tàu Apollo 11 khi đó còn có phi hành gia Michael Collins.
Năm thập kỷ sau, Nga và phương Tây đang hợp tác trong dự án Trạm Không gian quốc tế (ISS) dù sự cạnh tranh không vì thế mà mất đi. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện không còn thực hiện các chuyến bay đưa người lên ISS mà để sứ mệnh này cho chương trình Soyuz của Nga. Gần đây, một số công ty tư nhân như SpaceX, Boeing bắt tay với NASA trong nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga đối với các chuyến bay này.
Ấn Độ hủy sứ mệnh phóng tàu không gian Chandrayaan-2 vào phút chót hôm 15-7 Ảnh: AP
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra mục tiêu tham vọng là đưa phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2024. Dự án có tên Artemis này là nỗ lực đầu tiên đưa con người trở lại mặt trăng kể từ khi tàu Apollo đáp xuống đó lần gần đây nhất vào năm 1972. Dù vậy, theo tạp chí The Atlantic, NASA hiện vẫn chưa có ngân sách để biến mục tiêu này thành hiện thực. Vào tháng 5 qua, Nhà Trắng đề nghị Quốc hội bổ sung 1,6 tỉ USD vào ngân sách sắp tới của NASA để bắt đầu cấp kinh phí cho dự án Artemis, ước tính tốn khoảng 20-30 tỉ USD và dựa nhiều vào công nghệ của công ty tư nhân.
Ngoài chuyện tiền bạc, dự án còn gặp thách thức từ việc trì hoãn phát triển loại tên lửa thế hệ mới và những thiết bị cần thiết cho một chuyến đi như thế. Dư luận Mỹ cũng tỏ ra không mấy mặn mà với sứ mệnh mặt trăng. Theo một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 42% người nghĩ rằng NASA nên đưa người trở lại mặt trăng. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Mỹ nên tập trung chinh phục sao Hỏa hơn là trở lại mặt trăng.
Ngoài Nga, Mỹ còn đang đương đầu một đối thủ đáng gờm khác trong cuộc đua không gian. Cách đây 50 năm, theo đài CNN, Trung Quốc vẫn chưa thể phóng một vệ tinh nào. Đến năm 2003, Bắc Kinh mới lần đầu tiên đưa con người lên không gian. Tuy nhiên, với sự đầu tư mạnh mẽ, Trung Quốc đã phóng các phòng thí nghiệm không gian, vệ tinh lên quỹ đạo và trở thành quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh lên vùng tối của mặt trăng. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh thậm chí còn có tham vọng lớn hơn - chạy đua với Mỹ trong việc đưa người lên mặt trăng và sau đó là sao Hỏa.
Cuộc đua không gian còn thêm sôi động với sự tham gia của Ấn Độ. Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) vừa thông báo sẽ phóng tàu không gian Chandrayaan-2 đến cực nam của mặt trăng trong ngày 22-7. Trước đó, kế hoạch phóng tàu này trong ngày 15-7 đã bất ngờ bị hủy vào phút chót do trục trặc kỹ thuật. Nếu sứ mệnh thành công, Ấn Độ là nước đầu tiên phóng tàu lên cực nam mặt trăng và là quốc gia thứ 4 có tàu đáp xuống bề mặt mặt trăng, sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Bình luận (0)