Hơn 1 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn đang nỗ lực vượt qua hậu quả. Trong khi Mỹ và châu Âu đang dần tái mở cửa để trở lại trạng thái bình thường, tình hình rất khác ở châu Á.
Miễn dịch cộng đồng còn xa
Trong 3 tháng qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục khiến hệ thống y tế quá tải. Thái Lan cũng chứng kiến làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch khởi phát trong khi Malaysia tái ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc đến cuối tháng 6. Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), những nơi từng được mô tả là hình mẫu chống dịch, cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại, buộc họ phải tái ban bố các biện pháp hạn chế để làm chậm tốc độ lây lan của virus.
Theo nhà phân tích Tai Hui của Công ty JP Morgan Asset Management (Mỹ), những diễn biến trên cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 đòi hỏi chính phủ các nước phải nhanh nhẹn và linh hoạt trong chính sách phong tỏa, đồng thời duy trì cảnh giác cao độ cho đến khi phần lớn dân số đạt miễn dịch. Chương trình tiêm phòng Covid-19 của châu Á đang bị trì trệ một cách đáng báo động, chủ yếu vì thiếu nguồn cung vắc-xin.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một khu nhà ở công cộng gần nơi phát hiện ổ dịch mới ở Singapore giữa tháng 6 Ảnh: REUTERS
Với tốc độ hiện tại, nhiều quốc gia trong khu vực sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng cho đến năm 2022 hoặc thậm chí muộn hơn. Singapore là một ví dụ đáng chú ý. Đợt bùng phát gần đây khiến "đảo quốc sư tử" chứng kiến mức tăng trung bình 10-40 ca nhiễm/ngày - thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác. Với 53% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin tính đến ngày 23-6, Singapore hiện là nước đứng đầu châu Á về tiêm chủng, song tỉ lệ này là chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Những nỗi lo liên quan đến biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, đã buộc chính phủ Singapore tái triển khai các biện pháp hạn chế. Điều này cho thấy ngay cả một đợt bùng phát nhẹ nhất cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đáng kể đối với kinh tế.
Ông Hui nhấn mạnh về lâu dài châu Á sẽ phải học cách chung sống với Covid-19. Chính phủ các nước cần chấp nhận thực tế rằng Covid-19 sẽ bùng phát trở lại kể cả khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Phong tỏa, đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội chỉ là các biện pháp tạm thời, khiến kinh tế bị ảnh hưởng. Xét nghiệm, theo dõi, truy vết và tiêm chủng diện rộng là công cụ then chốt để kiểm soát đại dịch, qua đó xoa dịu gánh nặng kinh tế và đưa các nước đến giai đoạn tiếp theo của kinh tế bền vững.
Nhiệm vụ bất khả thi
Tại Canada, Giám đốc Y tế tỉnh bang Saskatchewan, ông Saqib Shahab, khẳng định quốc gia của ông đang bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19: Học cách chung sống với đại dịch. Theo ông Shahab, trong suốt 15 tháng qua, Canada nói riêng và thế giới nói chung chủ yếu tập trung vào nỗ lực "kiểm soát đại dịch", với tiêm phòng được đặc biệt chú trọng trong 3 tháng trở lại đây.
TS Shahab còn cho biết kết quả phân tích những đợt bùng phát gần đây cho thấy phần lớn ca nhiễm xảy ra ở nhóm chưa tiêm chủng. "Với tỉ lệ tiêm phòng cao, chúng ta có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các sự kiện siêu lây nhiễm. Tuy nhiên, rủi ro sẽ luôn hiện hữu ở nhóm chưa được tiêm chủng" - vị này khẳng định.
Trước đó, vào ngày 12-6, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng thừa nhận quốc gia của ông "phải học cách chung sống với Covid-19", bởi "xóa sổ" virus SARS-CoV-2 là nhiệm vụ bất khả thi. Theo một vài chuyên gia, virus luôn đột biến nên chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng những biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện.
Với việc biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tiếp tục lây lan ở nhóm chưa được tiêm vắc-xin, phép thử thực sự của chiến dịch tiêm chủng tại Anh lúc này là liệu số ca nhập viện và tử vong có ở mức thấp hay không. Nếu đúng như vậy, Covid-19 sẽ giống với một căn bệnh theo mùa (như bệnh cúm) hơn là một đại dịch không kiểm soát được.
Chuyên gia Siân Griffiths của Trường ĐH Trung văn Hương Cảng (Trung Quốc) khẳng định "sống chung với Covid-19" không đồng nghĩa sống trong một xã hội bị hạn chế. Thay vào đó, chúng ta sẽ bước vào một xã hội cẩn trọng hơn, với những bài học rút ra từ đại dịch.
Theo Chủ tịch Học viện Khoa học Y khoa Anh (AMS) Dame Anne Johnson, sống chung với đại dịch nghĩa là thực hiện những hành động ít làm gián đoạn cuộc sống nhất và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm mà không cần phải phong tỏa. "Giữ gìn vệ sinh tốt, cải thiện thông gió, làm việc từ xa, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với những người có triệu chứng, đi xe đạp thay vì phương tiện công cộng, tránh những chuyến bay không cần thiết… sẽ là một phần của cuộc sống thời hậu phong tỏa - bà Anne Johnson nói thêm.
Bình luận (0)