Trong 4 tháng qua, ông Arifuddin đã 2 lần phát hiện rắn ở sau nhà và lần gần nhất là vào đúng đêm giao thừa năm 2018 với con rắn hổ mang dài 1,5 m.
Môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp do đô thị hóa cùng với khâu xử lý rác thải kém hiệu quả khiến rắn xuất hiện ở Jakarta nhiều hơn, làm gia tăng các cuộc chạm trán giữa người và rắn tại thành phố 9,5 triệu dân này.
Nhóm Giải cứu rắn Sioux, gồm 150 tình nguyện viên vốn là những người yêu rắn, liên tục giúp người dân trục xuất những vị khách không mời. Hồi năm ngoái, nhóm này bắt được hơn 130 con rắn từ nhà dân, nhiều hơn 40 con so với một năm trước đó.
Ông Freddy Hanggoro, thành viên Giải cứu rắn Sioux, cho biết nhóm ông thả rắn bắt được ở khu vực xa khu dân cư, đồng thời cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu bắt rắn sai cách. Rắn thường xuất hiện trong mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 3) vì lũ lụt sau mưa cuốn loài vật này ra khỏi nơi trú ẩn. Con rắn lớn nhất mà nhóm ông Hanggoro bắt được dài đến 6 m và ẩn náu trên trần một ngôi nhà ở khu vực Kembangan thuộc Tây Jakarta vào năm 2016.
Các thành viên của nhóm Giải cứu rắn Sioux bắt rắn tại thủ đô Jakarta - Indonesia Ảnh: CNN
Nhóm Giải cứu rắn Sioux ra đời vào năm 2009, là một nhánh của Quỹ rắn Sioux Indonesia do ông Aji Rachmat thành lập trước đó 6 năm với mục đích ban đầu là giáo dục người dân về loài bò sát này. Ông Rachmat giải thích tại những thành phố như Jakarta, việc người dân bỏ rác ngay bên ngoài nhà mình là chuyện phổ biến, nhất là ở các khu của người thu nhập thấp.
Rác thải thu hút chuột trong khi chuột lại là thức ăn chủ yếu của rắn, trăn. Hơn nữa, tình trạng đất rừng thu hẹp - Indonesia mất khoảng 684.000 ha rừng/năm - buộc rắn phải tìm cách để tồn tại trong môi trường đô thị. Ông Amir Hamidi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bò sát tại Viện Khoa học Indonesia, nói một số loài rắn có khả năng thích nghi cao và sống được cả trong rừng lẫn thành phố.
Hầu hết loài rắn được tìm thấy trong nhà dân ở thủ đô Jakarta không nguy hiểm nhưng ông Hamidi cảnh báo một số con trăn đủ lớn có thể nuốt chửng người và các loài hổ mang có độc.
Nhìn chung, theo ông Rachmat, rắn vẫn sợ con người. Để ngăn rắn bò vào nhà, ông Rachmat khuyến cáo người dân giữ khu vực quanh nhà sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi. "Khi con mồi không còn nữa, rắn sẽ bỏ đi. Nếu không có thức ăn, chúng sẽ không đến nơi có nhiều người" - ông Rachmat lý giải.
Bình luận (0)