Người lên thay Tổng thống đương nhiệm Beniqno Aquino chắc chắn sẽ bị soi kỹ về năng lực xử lý vấn đề được coi là nguồn cơn gây căng thẳng khu vực này.
Theo Reuters, nhiều ngư dân Philippines muốn có một nhà lãnh đạo mới đủ cứng rắn để “buộc Trung Quốc rời khỏi biển Tây” sau khi nhận thấy đây là điều ông Aquino còn thiếu trong nhiệm kỳ của mình. Nhân vật được kỳ vọng có thể là ứng viên hàng đầu Rodrigo Duterte, người từng bóng gió về khả năng mạnh tay hơn với Bắc Kinh nếu lên nắm quyền.
Vấn đề là quan điểm của thị trưởng TP Davao này về biển Đông đang bị xem là “mơ hồ”. Trong những cuộc tranh luận trước bầu cử, ông Duterte cam kết không để hải quân Philippines rơi vào tình huống nguy hiểm nhưng khẳng định sẽ thách thức Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Một quan chức Mỹ đánh giá lập trường của ông Duterte về biển Đông chứa đựng “mâu thuẫn” bởi nó pha trộn các thông điệp “hiếu chiến” lẫn “hòa giải” trong cách đối phó với Bắc Kinh.
Ứng viên gây tranh cãi Rodrigo Duterte. Ảnh: Bloomberg
Trong phát biểu khiến giới quan sát quốc tế lo ngại, ứng viên 71 tuổi hôm 1-5 cho biết sẽ thương thảo song phương với Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán đa phương về biển Đông hiện nay không mang lại kết quả trong vòng 2 năm tới. Tạp chí The Diplomat lập tức cảnh báo đây là “ý tưởng tồi, ngây thơ” và chỉ khiến tác giả tự chuốc lấy thất bại bởi đàm phán tay đôi chính là điều Bắc Kinh mong muốn lâu nay.
Đơn độc ngồi vào bàn thương thảo với Trung Quốc, Philippines khó tránh được kết quả bất lợi do thua kém đối phương nhiều thứ. Hơn nữa, một bước đi như thế sẽ khiến Philippines đánh mất sự ủng hộ trong cuộc chiến pháp lý nhằm vào những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Ngoài ý tưởng thất sách nêu trên, những phát biểu gây sốc về phụ nữ, cộng với ý muốn hành hình “hàng chục ngàn tội phạm” và “ân xá cho bản thân” vì hành vi này, khiến nhiều người lo ngại về tương lai Philippines trong trường hợp ông Duterte thắng cử. Chưa biết thắng thua thế nào nhưng ông đã kịp gây thù chuốc oán với không ít người khi đe dọa dẹp bỏ quốc hội, hứa hẹn lập một chính phủ cách mạng và viết lại hiến pháp.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, cựu sĩ quan hải quân từng đứng đầu 2 cuộc binh biến bất thành năm 2003 và 2007, hôm 3-5 cảnh báo chính phủ của ông Duterte sẽ có nguy cơ bị đảo chính. “Ông ta không biết tôn trọng các định chế dân chủ” - ông Trillanes nhận định. Thêm một yếu tố nữa, theo thượng nghị sĩ này, là hầu hết binh sĩ Philippines phản đối bất kỳ hình thức chia sẻ quyền lực nào với phe nổi dậy mà thị trưởng Davao đang đề xuất.
Ngay cả Tổng thống Aquino cũng không ít lần bày tỏ nỗi lo ông Duterte có thể trở thành nhà độc tài. “Chúng ta đang tự do nhưng những người hành xử như độc tài lại đang dẫn đầu (trong các cuộc thăm dò). Chúng ta không nên bỏ phiếu cho một người nào đó chỉ vì họ nổi tiếng, hát hay hoặc có nhiều điều gây ngạc nhiên” - ông Aquino kêu gọi người dân hôm 2-5.
Bình luận (0)