Trong bức thư gửi thị trưởng Kalayaan, ông Eugenio Bito-onon Jr., đăng trên trang Facebook của nhóm, Kalayaan Atin Ito cho biết người dân sinh sống trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép với tên gọi Pag-asa) đã phát hiện tàu Trung Quốc thả hóa chất tiêu diệt các loài san hô và sinh vật biển trong phạm vi 5 km quanh đảo.
Đảo Thị Tứ hiện thuộc TP Kalayaan của tỉnh Palawan - Philippines, hiện chỉ có hơn 200 cư dân sinh sống. Nhóm Kalayaan Atin Ito (Tự do của chúng ta) cùng người dân đảo này kêu gọi Thị trưởng Bito-Onon Jr. chính thức can thiệp, theo trang Inquisitr.
Tuy nhiên, chính quyền Kalayaan chưa có bất cứ hành động cụ thể nào để chống lại hành vi hủy hoại môi trường này. Thêm vào đó, Kalayaan Atin Ito cáo buộc ý đồ thực sự của Bắc Kinh là nhằm xua đuổi cư dân trên đảo Thị Tứ đi nơi khác để dễ bề quân sự hóa khu vực.
Kalayaan Atin Ito là tổ chức phi lợi nhuận với sự tham gia của sinh viên và thanh niên Philippines. Mục đích của họ là "đoàn kết người dân Philippines chống lại sự hung hăng và chiếm đóng của Trung Quốc" trên biển Đông.
Nhóm này từng đi thuyền ra đảo Thị Tứ vào tháng 12-2015 và tháng 1-2016 để phản đối hành động cải tạo và quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên biển Đông.
“Chúng tôi đã nói về điều này và sẽ tiếp tục thông báo cho mọi người. Trung Quốc đang tích cực gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế của cộng đồng dân cư tại nhóm đảo Kalayaan, mục đích xua đuổi dân thường và cô lập quần đảo để chiếm đất” - Kalayaan Atin Ito viết.
Để tăng tính xác thực, tổ chức phi lợi nhuận này đăng kèm 2 bức ảnh chụp cá chết hàng loạt trên bãi biển Thị Tứ hôm 30-4, đồng thời khẳng định cá chết là do tàu Trung Quốc đổ hóa chất xuống biển. Quanh đảo Thị Tứ có khoảng 20-30 ha rạn san hô, là nơi sinh sống của nhiều loại cá tự nhiên (trong đó có rùa, cá heo, cá đuối...) và cá thương phẩm.
Báo Philstar vào tháng 5-2015 dẫn lời nột quan chức Philippines trên đảo Thị Tứ, Mary Joy Batiancila, cho biết ngư dân Trung Quốc thường xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ để đánh bắt hải sản trái phép. Đáng lo ngại, ngư dân Trung Quốc dùng cả thuốc nổ và chất độc cyanide khiến nguồn cá tự nhiên, cả lớn lẫn nhỏ, đều bị tận diệt. Khi bị cảnh sát biển Philippines xua đuổi, tàu Trung Quốc rời đi nhưng sau đó lại quay lại.
Tạp chí The National Interest hồi năm ngoái dẫn một báo cáo không được công bố của tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh cho thấy Trung Quốc đã phá hủy hơn 300 ha san hô, gây thiệt hại kinh tế hằng năm lên đến 100 triệu USD. Thiệt hại được đánh giá vượt ra ngoài phạm vi các đảo nhân tạo, ảnh hướng đến các quốc gia sống ở vùng ven biển lân cận.
Bình luận (0)