Bước đi trên có thể bị xem là thất bại của Đảng Syriza bởi không giữ được lời hứa chấm dứt những năm tháng khắc khổ ở Hy Lạp, đất nước có 1/4 dân số thất nghiệp, sau khi lên cầm quyền hồi tháng 1 năm nay. Từ đó, dư luận - có cả báo Bild (Đức) - đồn đoán rằng Thủ tướng Tsipras có thể từ chức.
Khoảng 500 người Hy Lạp biểu tình phản đối Liên minh châu Âu trước tòa nhà quốc hội hôm 13-7
Ảnh: REUTERS
Đảng Người Hy Lạp độc lập cánh hữu, đối tác liên minh trong chính phủ, tuyên bố không thể ủng hộ thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, đồng thời gọi đó là “cuộc đảo chính” do Đức đứng đầu.
“Thủ tướng của đất nước này đương đầu với cuộc đảo chính do Đức và các quốc gia khác sắp đặt. Thỏa thuận đó đặt ra nhiều vấn đề mới, chúng tôi không thể đồng ý” - hãng tin AP trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos, thủ lĩnh đảng này, sau cuộc gặp Thủ tướng Tsipras hôm 13-7.
Ông Kammenos nhấn mạnh đảng ông vẫn tiếp tục ủng hộ chính phủ nhưng sẽ không bỏ phiếu thông qua những biện pháp khắc nghiệt nêu trên.
Đây là đòn giáng mạnh vào chính phủ chỉ mới 6 tháng tuổi của Thủ tướng Tsipras và đang phải vất vả duy trì thế đa số tại quốc hội trước thềm cuộc bỏ phiếu về các biện pháp cải tổ vào ngày 15-7. Ông Tsipras có thể sẽ sa thải một số bộ trưởng không chịu nhượng bộ và trông mong vào lá phiếu của các nghị sĩ đối lập.
Kênh Al Jazeera dự đoán chính phủ Hy Lạp sẽ đối mặt với sự phản đối của dân chúng khi phải áp dụng những biện pháp khắc nghiệt, như bán một số tài sản nhà nước để có được 50 tỉ euro theo yêu cầu của thỏa thuận. Giới viên chức nhà nước Hy Lạp đang kêu gọi cuộc đình công 24 giờ vào ngày 15-7.
Bình luận (0)