Suu Kyi nói về chuyến thăm nước Anh đầu tiên sau gần 1/4 thế kỷ rằng bà muốn "nhìn thấy những người bạn cũ và tìm lại những nơi chốn xa xưa" với hy vọng mọi thứ sẽ không nhạt nhòa theo thời gian. Thế nhưng, không thể tránh được, vẫn có những khoảnh khắc đau nhói trong tim nữ thủ lĩnh ủng hộ dân chủ Myanmar và là người đoạt giải Nobel Hòa bình khi bà hoài niệm về cuộc sống ở Anh với Michael Aris, người trở thành chồng bà năm 1972 và đã qua đời vì bệnh ung thư năm 1999 mà không có bà bên cạnh.
Michael Aris không được phép nhập cảnh Myanmar suốt nhiều năm, kể cả khi ông muốn gặp vợ lần cuối vào năm 1995 vì biết mình mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Cho dù chính quyền quân sự Rangoon nói với Suu Kyi rằng chồng bà đang hấp hối ở Anh và bà có thể sang đó với ông, bà đổ sụp đau đớn nhưng quyết không đi vì linh cảm rằng mình sẽ mãi mãi không thể quay trở lại Myanmar. Từ sâu xa, Michael Aris thấu cảm trách nhiệm Suu Kyi mang trên vai là để phụng sự tổ quốc và nhân dân Myanmar. Ðáp lại, Suu Kyi đã viết cho người bạn đời một trong những dòng đầu tiên khi họ bắt đầu cuộc sống hôn nhân: "Nếu nhân dân cần đến em, anh hãy giúp em thực hiện phận sự của mình".
Một khúc quanh quan trọng trong đời Suu Kyi bắt đầu từ năm 1960, lúc cô mới 15 tuổi. Năm đó, cô và mẹ rời Myanmar đi Ấn Ðộ khi mẹ cô được bổ nhiệm làm đại sứ tại Delhi. Sau khi hoàn tất chương trình đại học ở Delhi, Suu Kyi sang Anh nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế tại Trường St Hugh’s College thuộc Ðại học Oxford lừng danh.
Hai năm trước đây, đài BBC đã phỏng vấn Ann Pasternak-Slater - người học cùng trường với San Suu Kyi. Bà nói: "Tôi đã nhìn thấy con người xinh xắn này ở phòng bên cạnh và tôi nghĩ cô ta thật đáng yêu. Suu Kyi gây ấn tượng bởi tấm khăn quanh cổ, chiếc áo choàng không tay bó sát cùng với mái tóc thắt đuôi ngựa. Cô ấy có khuôn mặt đẹp và đôi mắt sáng toát ra sự thanh khiết, với một đóa hoa cẩm chướng tươi tắn lúc nào cũng cài trên tóc".
Cựu phu nhân Patricia Gore-Booth - có chồng từng là đại sứ Anh tại Myanmar - đã trở thành "mẹ nuôi" của Suu Kyi trong thời gian cô nghiên cứu ở Anh. Bà kể lại: "Trong những ngày nghỉ, Suu Kyi đến ngụ tại căn phòng trên cùng của tòa nhà. Như một thành viên của gia đình chúng tôi, cô ấy luôn chu toàn trách nhiệm. Suu Kyi được trang bị kiến thức về gia đình phương Tây nhưng không quên ứng xử theo truyền thống Myanmar, lúc nào cũng nhẹ nhàng cúi chào khi gặp người lớn hơn".
Suu Kyi đã gặp Michael Aris - một học giả về văn hóa Tây Tạng - qua những người bạn và tình cảm giữa họ trở nên nồng nàn trong thời gian cô ở New York (Mỹ). Rồi họ cưới nhau. Bạn bè nói về Suu Kyi như một người có sức lôi cuốn và kiên định, còn Aris thì luôn tự hào và ủng hộ vợ hết mình.
Thant Myint-U, cháu trai của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant, có đến thăm nhà vợ chồng Suu Kyi năm, ba lần. Mỗi lần gặp nhau, họ ngồi uống trà, chuyện trò về đất nước Myanmar suốt nhiều giờ...
Giờ đây, thân phận của Aung San Suu Kyi đã thay đổi. Từ khi được tự do năm 2010 sau 15 năm bị quản thúc tại gia, Suu Kyi - thủ lĩnh đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ - đã tạo ra mối liên kết không ai nghĩ đến với Tổng thống Thein Sein để thúc đẩy dân chủ và cải cách ở Myanmar. Mọi thứ đang trở nên suôn sẻ, Suu Kyi đã là nghị sĩ, thậm chí ông Thein Sein còn tuyên bố chấp nhận bà làm tổng thống năm 2015 nếu người dân bỏ phiếu cho bà.
Như Mahatma Gandhi, Martin L. King và Nelson Mandela từng cho thấy: Khi một thủ lĩnh giàu phẩm hạnh và nội lực thì sức mạnh bất bạo động có thể bóp nát cả một quân đội.
Bình luận (0)