Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 15-3 cho biết Bắc Kinh hy vọng duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông thông qua việc thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC) với các nước liên quan.
Lại xây dựng trái phép
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc bế mạc hôm 15-3, ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc cũng muốn nhìn thấy sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng dự thảo của COC đã hoàn tất và những căng thẳng tại khu vực đã giảm rõ rệt.
Dù vậy, thứ ổn định mà ông Lý nói đến lại đang bị đe dọa bởi những hành động khiêu khích của chính Bắc Kinh. Theo Reuters, hình ảnh vệ tinh mới chụp hôm 6-3 của Công ty Vệ tinh tư nhân Planet Labs (Mỹ) cho thấy Bắc Kinh bắt đầu hoạt động xây dựng mới tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép).
Hình ảnh cho thấy tại đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa gần đây diễn ra hoạt động dọn đất và có thể chuẩn bị xây dựng cảng để hỗ trợ cho một công trình mà các chuyên gia tin là những cơ sở quân sự. Hoạt động xây dựng trái phép ban đầu đã bị phá hủy trong một cơn bão năm ngoái.
Các nhà phân tích tin rằng những hoạt động mới này chứng tỏ Bắc Kinh đang quyết xây dựng một mạng lưới trái phép các bãi đá và đảo ngay cả khi nước này tránh đối đầu với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng cũng cho thấy Bắc Kinh quyết tâm quân sự hóa biển Đông.
“Quần đảo Hoàng Sa sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nỗ lực kiểm soát biển Đông nào trong tương lai của Trung Quốc” - ông Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định.
Chuyến công du khó khăn
Ngoài việc phớt lờ thực tế rằng mình đang gây căng thẳng ở biển Đông, Trung Quốc còn tiếp tục chỉ trích Nhật Bản gây rắc rối ở vùng biển này. Tại cuộc họp báo hôm 14-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết đang chờ Nhật Bản chính thức giải thích về nguyên nhân điều tàu chiến lớn nhất - Izumo - đi qua biển Đông.
“Nếu đây chỉ là một hành trình đến thăm một vài nước và đi qua biển Đông một cách bình thường thì chúng tôi không phản đối. Tuy nhiên, nếu tàu Nhật Bản đến biển Đông với những ý định khác, đó lại là một vấn đề khác” - bà Hoa nói.
Truyền thông đưa tin tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ thăm Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với các tàu hải quân của Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương trong tháng 7.
Tình hình biển Đông chắc chắn sẽ có trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm Trung Quốc trong ngày 18 và 19-3. Ông Tillerson từng chọc giận Bắc Kinh hồi tháng 1 khi nói Trung Quốc không được phép tiếp cận những đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông.
Trong chuyến thăm lần này, ông Tillerson dự kiến còn bàn về chi tiết cuộc hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump tại bang Florida vào tháng 4 tới.
Trước khi đến Trung Quốc, ông Tillerson ghé thăm Nhật Bản hôm 15-3 trước khi đến Hàn Quốc ngày 17-3. Theo Reuters, Ngoại trưởng Tillerson nhiều khả năng tìm cách trấn an 2 đồng minh trước mối đe dọa ngày càng tăng từ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhiệm vụ tiếp theo của ông là thuyết phục Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kiềm chế chương trình vũ khí của quốc gia láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ còn cần xoa dịu nỗi lo và sự tức giận của Bắc Kinh về động thái triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Đấu dịu với Mỹ
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định “không muốn chiến tranh thương mại” với Washington nhưng cảnh báo các công ty Mỹ sẽ gánh chịu nhiều tổn thất nếu cuộc chiến này xảy ra. “Về phía Trung Quốc, chúng tôi hy vọng dù gặp trở ngại gì, mối quan hệ này vẫn tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực” - ông Lý nói tại cuộc họp báo hôm 15-3.
Ông Lý cũng khẳng định Mỹ và Trung Quốc chia sẻ những lợi ích chung và nên “ngồi lại thảo luận với nhau” để xây dựng niềm tin và thu hẹp khác biệt. Ông nhận định sự hợp tác giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” trong quan hệ với Đài Loan.
Chuyên gia kinh tế Christopher Balding, PGS tại Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến, nói với tờ The Washington Post rằng không thể phủ nhận một cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới một số công ty Mỹ nhưng nếu nói nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tổn thất nhiều hơn là không thực sự chính xác.
“Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Mỹ theo tỉ trọng GDP và nhận phần lớn thặng dư thương mại từ Mỹ” - ông Balding phân tích. Vị này đồng thời cho biết thêm các công ty Mỹ sẽ dễ chuyển hướng chuỗi cung cấp hơn so với việc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc công nghiệp.
Cũng tại buổi họp báo, Thủ tướng Lý cảnh báo những căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực mà tất cả các bên đều thiệt hại. Ông kêu gọi các bên, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Triều Tiên, bắt đầu đối thoại và giảm thiểu căng thẳng.
Thu Hằng
Bình luận (0)