Theo tạp chí Newsweek, những khu vực mà các nước Đông Nam Á nói trên tuần tra là địa bàn hoạt động của cướp biển. Trước đó, hàng loạt du khách nước ngoài, thủy thủ đã bị giết hại, bắt cóc và cầm giữ làm con tin. Một trong các nhóm Hồi giáo cực đoan bị nhà chức trách Philippines đưa vào tầm ngắm là Abu Sayyaf.
Bộ trưởng Lorenzana thông báo hải quân Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ được huy động để tuần tra làn biển, nơi tàu thương mại có thể vượt qua mà không sợ bị cướp bóc. “Vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới, 3 nước chúng tôi sẽ tuần tra chung ở các khu vực đó” – ông Lorenzana nói tại một cuộc họp báo.
Tàu thuyền di chuyển ngoài khơi bờ biển phía Nam Singapore, khu vực cướp biển hay ghé thăm. Ảnh: REUTERS
Hồi năm ngoái, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan cảnh báo biển Sulu ở Tây Nam Philippines đang có nguy cơ trở thành một “Somalia mới” do tình trạng bất ổn tại đó. Nhóm 3 nước Đông Nam Á hy vọng các cuộc tuần tra có thể trấn áp nạn cướp biển trước khi có thêm nhiều thủy thủ mất mạng.
Gần đây, hải tặc ở biển Đông gia tăng hoạt động bắt cóc thay vì chỉ lấy hàng hóa như bánh mì và bơ như trước. Các khu vực mà ông Lorenzana muốn bảo vệ là các tuyến hàng hải quốc tế, mục đích giúp tàu thuyền đi lại không bị cản trở.
Khoảng 70- 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và Nhật Bản đi qua khu vực cướp biển hoành hành. Các khu vực này cũng ghi nhận 41% tổng số vụ cướp biển trên toàn thế giới kể từ năm 1993. Một nghiên cứu từ phong trào Cướp biển bên kia đại dương thực hiện vào năm 2010 cho thấy các công ty thiệt hại từ 7-12 tỉ USD/năm do nạn cướp biển.
Trong khi đó, nhóm Abu Sayyaf hiện cầm giữ 31 con tin nước ngoài và bản địa, bao gồm 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc hồi tháng trước. Hồi tháng 2, công dân Đức Jurgen Kantner bị nhóm này chặt đầu, còn bạn của Kantner, Sabine Merz, bị bắn chết. Ông Lorenzana tuyên bố Abu Sayyaf đã trở thành mối quan ngại an ninh hàng đầu.
Cũng hồi tháng 2, Nhật Bản gửi tàu tuần tra tới Philippines để giúp Manila đối phó với hải tặc.
Bình luận (0)