Các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 29-6 kêu gọi thực hiện biện pháp đa phương đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau 2 năm.
Theo hãng tin Reuters, nội dung cuộc họp tại TP Matera - Ý xoay quanh giải pháp cải thiện sự hợp tác, phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch và cách thúc đẩy phát triển bền vững ở châu Phi. Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio nhấn mạnh: "Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế đối với các tình huống khẩn cấp vượt ra ngoài các biên giới quốc gia".
Cũng tại cuộc họp, Mỹ kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự cần thiết đẩy nhanh hoạt động cung cấp nhiều loại vắc-xin cho các nước nghèo. Ông Blinken cho rằng để chấm dứt đại dịch, vắc-xin cần được phủ sóng rộng khắp.
Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio tham dự cuộc họp với những người đồng cấp G20 tại TP Matera - Ý hôm 29-6 Ảnh: REUTERS
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới và G20 sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thu nhập thấp giải quyết gánh nặng nợ. Ngoại trưởng Blinken kêu gọi trao quyền cho các tổ chức đa phương để đối phó đại dịch Covid-19, giải quyết bất bình đẳng toàn cầu vốn đang gia tăng và đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Blinken cũng kêu gọi nỗ lực tăng cường an ninh y tế toàn cầu để có thể sớm phát hiện, ngăn chặn và ứng phó tốt hơn với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết của Washington đóng góp 2 tỉ USD cho COVAX, sáng kiến do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm cung cấp vắc-xin cho các nước thu nhập thấp và Tổng thống Joe Biden thông báo tặng hàng trăm triệu liều vắc-xin của Pfizer cho các nước trên thế giới. Tổng thống Joe Biden cũng đã nới lỏng một số hạn chế xuất khẩu và ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không nêu đích danh Mỹ mà kêu gọi các bên thể hiện chủ nghĩa đa phương thực sự chứ không dùng nó làm vỏ bọc cho các hành động đơn phương. Đề cập về nỗ lực hợp tác chống dịch trên toàn cầu, ông Vương nhấn mạnh Trung Quốc đã cung cấp 450 triệu liều vắc-xin tới hơn 100 quốc gia. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng kêu gọi các nước giàu không áp đặt hạn chế xuất khẩu và tích trữ vắc-xin quá mức, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các quốc gia.
Theo đài NHK, các bộ trưởng ngoại giao của nhóm G20 đã ra Tuyên bố Matera kêu gọi tăng chi tiêu cho các hệ thống lương thực bền vững. Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị, các bộ trưởng G20 kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng các chuỗi lương thực đồng đều và vững chắc để bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho tất cả người dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 không còn nạn đói như đã đề ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
G20 cam kết phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy đầu tư cho an ninh lương thực, dinh dưỡng và các hệ thống lương thực bền vững trong khuôn khổ các biện pháp ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 cũng như các kế hoạch phục hồi quốc gia dài hạn hơn, đồng thời duy trì thương mại thực phẩm minh bạch và không phân biệt đối xử theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Bình luận (0)