Lựa chọn của cử tri không quá khác biệt so với kết quả những cuộc thăm dò trước thềm bầu cử khi khoảng cách giữa 4 người dẫn đầu khá sít sao.
Ông Macron nhận 23,82% phiếu bầu, theo sau là bà Le Pen (21,58%), ứng viên bảo thủ Francois Fillon (19,96%) và ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon (19,49%). Kết quả này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp, không ứng viên nào của các đảng lớn thuộc 2 cánh tả, hữu lọt vào vòng quyết định.
Vào ngày 7-5 tới, cử tri sẽ tiếp tục lựa chọn giữa ông Macron, cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung và bà Le Pen, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu. Trong cuộc chiến này, ông Macron đang được sự giúp sức của nhiều chính khách ôn hòa của cả 2 cánh tả, hữu muốn ngăn bà Le Pen, 48 tuổi, lên nắm quyền. Bất chấp màn trình diễn ấn tượng của bà Le Pen, tin tức được chú ý nhiều hơn chính là chiến thắng của ông Macron, người chỉ mới lập đảng En Marche! vào năm ngoái và ra tranh cử với cam kết ủng hộ toàn cầu hóa, nhập cư và Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Macron sẽ dễ dàng đánh bại đối thủ Le Pen, người hứa hẹn đặt “nước Pháp trên hết” với một loạt động thái như đóng cửa biên giới, tăng cường an ninh, hạn chế nhập cư và từ bỏ đồng euro.
Sau 2 cú sốc mang tên Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, sự thận trọng với các cuộc bỏ phiếu không bao giờ thừa. Tuy nhiên, bà Mai’a Cross, một chuyên gia về chính trị châu Âu tại Trường ĐH Đông Bắc (Mỹ), tin rằng ông Macron sẽ chiến thắng áp đảo trong vòng 2 bởi nhiều người Pháp khó “tiêu hóa” viễn cảnh có tổng thống là một nhân vật cực đoan như bà Le Pen, người có thể là “mối đe dọa” đối với trật tự thế giới tự do hiện nay nếu thắng cử. “Chúng ta phải nhớ rằng cử tri Pháp không phải là cử tri Mỹ. Người Pháp không phải là “fan” của ông Trump và khó có thể bỏ phiếu cho bà Le Pen sau khi nhìn thấy bài học từ ông này” - bà Cross nói với tờ The Los Angeles Times.
Vì thế, không có gì lạ khi Reuters nhận định “cơn sóng thần dân túy” từng tràn vào nước Anh trước khi vượt Đại Tây Dương đến Mỹ năm ngoái dường như sẽ bị chặn lại ở bờ biển Pháp. Việc trở thành ông chủ Điện Élysée, nếu có, là kết quả quá ấn tượng với một người chỉ mới 39 tuổi và bước vào chính trường được 4 năm như ông Macron. Dù vậy, nhân vật này sẽ đối mặt không ít thách thức trong vai trò tổng thống.
Gần phân nửa cử tri Pháp chọn ứng viên của phe cực tả hoặc cực hữu và những người này không dễ chấp nhận tầm nhìn dân chủ tự do của ông Macron khiến nước Pháp chia rẽ sâu sắc. Một thách thức khác là tạo lập thế đa số tại quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, với Liên minh châu Âu (EU), không có tin nào tốt lành hơn ngoài chiến thắng của ông Macron. Ứng viên có lập trường thân EU này tin rằng Pháp cần cải tổ nền kinh tế để khôi phục niềm tin từ Đức. Ngoài ra, ông muốn theo đuổi một thỏa thuận toàn diện với Berlin, trong đó có biện pháp cải cách khu vực đồng euro và tăng cường hợp tác về quốc phòng, di trú.
Nhân vật ngoài cuộc
Vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới sẽ chứng kiến cuộc đua song mã chưa từng có trong lịch sử nền cộng hòa thứ năm của nước này khi không có một đại diện nào từ 2 chính đảng truyền thống (Xã hội và Cộng hòa) vốn thay nhau cầm quyền hàng thập kỷ qua. Thay vào đó, hai ứng viên sắp “so găng”, theo cách gọi của đài CNN, đều đến từ bên lề của chính trường Pháp: một tân binh non kinh nghiệm chính trị chưa một lần tranh cử đối đầu ứng viên cực hữu đầu tiên lọt vào vòng “chung kết”.
Làm thế nào 2 nhân vật “ngoài cuộc” lại có thể hất văng giới tinh hoa của chính trường Pháp? Theo đài CNN, tác giả số một của cơn địa chấn chính trị này, ứng viên trẻ tuổi Emmanuel Macron, lãnh đạo Đảng En Marche!, trỗi dậy từ sự tàn lụi của 2 đảng lớn nói trên. Từng là bộ trưởng kinh tế và công nghiệp dưới thời Tổng thống François Hollande, ông Macron hứa hẹn cải cách hệ thống phúc lợi và lương hưu, đồng thời theo đuổi những chính sách thân thiện với doanh nghiệp và gia tăng chi tiêu quốc phòng. Giới quan sát cho rằng sự yếu kém của cả hai xu hướng thiên tả và thiên hữu lần lượt đến từ ứng viên Đảng Xã hội (Benoit Hamon) và ứng viên Đảng Cộng hòa (François Fillon) đã tạo thời cơ lý tưởng cho một người theo đường lối trung dung như ông Macron.
Vị ứng viên trẻ tuổi được nhiều người đặt niềm tin sẽ vực dậy nền kinh tế “hấp hối” của Pháp còn là một người ủng hộ mạnh mẽ liên minh châu Âu (EU), trái ngược với đối thủ Marine Le Pen - Chủ tịch Đảng Mặt trận Dân tộc (FN). Nữ ứng viên 48 tuổi này đã tìm mọi cách xóa bỏ hình ảnh một đảng phái sặc mùi kỳ thị sắc tộc và chống Do Thái do cha mình (ông Jean-Marie Le Pen) sáng lập để tiến gần tới những giá trị chính thống hơn, cũng như tạo dựng cơ hội lớn hơn cho bản thân tới ghế tổng thống Pháp.
Từng là thành viên của Nghị viện châu Âu và Quốc hội Pháp, bà Le Pen, dù mang tiếng xuất phát từ bên lề chính trường Pháp song cũng là một trong những nhân vật được công nhận rộng rãi nhất trong số các ứng viên “ngoài cuộc”. Thậm chí suốt một thời gian dài từ đầu năm 2017, bà luôn được dự đoán là người sẽ về nhất cuộc bỏ phiếu vòng 1 trước khi bị ông Macron vượt lên trong giai đoạn cuối.
Thu Hằng
Bình luận (0)