Dù hình ảnh những chiếc máy bay đâm vào các tòa nhà chọc trời và khiến chúng đổ sụp đã xuất hiện rất nhiều lần, sự kiện 11-9 vẫn nằm ngoài sức chịu đựng của nhiều người.
Tuy nhiên, một chuyến thăm Đài Kỷ niệm và Bảo tàng 11-9 ở khu Manhattan có thể sẽ thay đổi điều này. Kể từ khi được mở cửa năm 2014, nơi này đã chào đón hơn 10 triệu lượt du khách.
Bên trong các lồng kính là hàng trăm đồ vật hết sức bình thường, ví dụ như biên lai, đĩa máy tính, giày dép, ba lô, đèn pin, được thu hồi từ đống đổ nát. Khi được đặt cùng với nhau, những món đồ này gợi nhớ đến những người đã mất, những người vừa đến công ty để bắt đầu ngày mới khi sự kiện không thể tưởng tượng nổi xảy ra.
Bên cạnh những mảng kim loại nham nhở, đổ nát của các phương tiện cứu hộ khẩn cấp, bảo tàng còn trưng bày những hình ảnh gây sốc đến mức phải được đặt sau một bức tường để các du khách được quyền lựa chọn xem hoặc không xem.
Một trong những chiếc máy bay bị cướp tại tòa tháp đôi. Ảnh: AP
Đó là những hình ảnh ám ảnh nhất trong thảm họa 11-9. Chúng khó chịu đựng đến mức các tờ báo lớn như New York Times phải nhận một loạt những lời than phiền từ độc giả khi đăng tải. Đến tận hôm nay, những hình ảnh này vẫn hiếm khi xuất hiện tại Mỹ.
Theo bình luận của tạp chí New York, chúng được xem là "một điều cấm kỵ, một sự sỉ nhục đối với người đã mất và một cú sốc tàn bạo đối với người sống".
Đó là bức ảnh về những người buộc phải nhảy ra khỏi cửa sổ của tòa tháp đôi sau khi chúng bị máy bay đâm vào. Khi đối mặt với viễn cảnh phải chết cháy trong những tầng phía trên, họ đã chọn cách nhảy xuống cái chết.
Phía dưới các bức ảnh là lời kể lại của những nhân chứng, giúp người xem hiểu rõ hơn hành động tuyệt vọng của những người đã mất.
Khói lửa mịt mù bao trùm tòa tháp, hất văng các mảnh vỡ xuống đất. Ảnh: AP
Một người dân sống tại khu Manhattan, ông James Gilroy, không thể nào quên khoảnh khắc ông chứng kiến trong lúc thảm kịch diễn ra. "Cô ấy mặc một bộ đồ công sở với mái tóc vuốt sang 1 bên. Người phụ nữ đó đứng bất động một lúc rồi giữ chặt váy và nhảy xuống. Tôi nghĩ rằng cô ấy phải là người nhã nhặn đến mức nào khi vẫn giữ váy trước khi nhảy. Sau đó, tôi không thể tiếp tục nhìn nữa" - ông Gilroy kể lại.
Một nhân chứng khác tên Victor Colantonio hồi tưởng lại khoảnh khắc nhìn thấy một người đàn ông nhảy xuống. "Một bộ áo trắng, quần đen, lao vùn vụt xuống đất. Vào thời khắc đó, tòa nhà kính và những đám khói dày đặc bỗng trở thành con người" - ông Colantonio nói.
Bà Louisa Griffith-Jones, một nhân chứng khác, chia sẻ bà "cảm thấy buộc phải nhìn họ trong sự kính trọng". "Họ đang kết thúc cuộc đời mà không được lựa chọn. Vì vậy, thật sai trái khi quay lưng về phía họ" - bà Griffith-Jones bày tỏ.
Hình ảnh chụp từ trên cao tại hiện trường. Ảnh: ABC News
Trong khoảng thời gian 15 năm sau ngày định mệnh, có rất ít thông tin về khoảng 200 người đã nhảy xuống đất. Hầu hết họ đều nhảy từ tòa tháp bắc, có thể là do ngọn lửa tại đây dữ dội hơn, tập trung ở những tầng bên dưới. Trong khi một số người còn cố dùng màn cửa hoặc khăn trải bàn làm dù, một cặp đôi đã chọn cách nắm tay nhau lao xuống đất.
Có lẽ điều bi kịch nhất là danh tính của những người thiệt mạng vì nhảy xuống đất vẫn chưa được xác định vì cơ quan chức năng không thể tìm thấy hoặc nhận dạng thi thể của họ.
Một trong những bức ảnh gây ám ảnh nhất trong sự kiện 11-9 là bức "Người đàn ông rơi" do nhiếp ảnh gia Richard Drew của hãng tin AP ghi lại. Hình ảnh này khó quên đến nỗi nó trở thành chủ đề của hàng loạt bài báo và cả một bộ phim tài liệu.
Bức ảnh nổi tiếng "Người đàn ông rơi". Ảnh: AP
Mặc dù chưa chắc chắn nhưng nhân vật chính của bức ảnh được cho là ông Jonathan Briley (43 tuổi), nhân viên của một nhà hàng nằm trên tầng 106 của tòa tháp bắc.
Tờ New York Times đăng tải bức ảnh lần đầu trên trang 7 trong số báo ngày 12-9-2001 nhưng không còn sử dụng hình ảnh này hoặc những hình ảnh tương tự thêm lần nào nữa sau khi nhận được phản ứng giận dữ của độc giả.
Ngày này, việc xác định số người nhảy xuống vẫn là điều bất khả thi. Có thể có một số người vô tình bị ngã hoặc bị đẩy xuống trong lúc hỗn loạn. Dù vậy, không có cái chết nào trong các vụ tấn công ngày 11-9-2001, ngoại trừ những kẻ khủng bố, được chính thức kết luận là hành động tự sát.
"Chúng không nên được xem là một lựa chọn. Nếu đặt một người đứng ngay cửa sổ khi đằng sau là sức nóng hừng hực của ngọn lửa, hầu hết bọn họ sẽ cảm thấy bị buộc phải nhảy" - cựu đội trưởng sở cứu hỏa TP New York Louis Garcia nói năm 2014.
Còn nói như tờ USA Today, họ không chọn cái chết mà là chọn cách để chết.
Một người khác nhảy xuống từ tòa tháp bắc. Ảnh: AP
Bình luận (0)