Vụ tấn công khủng bố hôm 24-11 tại nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn bé nhỏ Bir al-Abd, Bắc Sinai không thể nói là tinh vi. Hiện trường thảm sát đẫm máu chỉ cho thấy sự tàn bạo và vô nhân tính của thủ phạm, thay vì những kỹ năng quân sự hiện đại.
Đầu tiên, chúng kích nổ 2 quả bom trong nhà thờ đang chật kín người cầu nguyện vào ngày thứ sáu. Tiếp đó, khi những người sống sót chạy đến các lối thoát hiểm, những kẻ khủng bố đã đợi sẵn bên ngoài, bắn gục từng nạn nhân. Bằng cách đó, 305 người đã mất mạng và 128 người bị thương. Dựa trên những ước định trên mạng xã hội, trước vụ tấn công, Bir al-Abd là nơi sinh sống của khoảng 1.500 cư dân. Điều này đồng nghĩa thương vong trong cuộc thảm sát chiếm khoảng 1/3 dân số địa phương.
Dù chưa có nhóm khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng mọi nghi ngờ đang đổ dồn về phía chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Sinai, gọi là nhóm IS ở tỉnh Sinai và trước đó được biết tới với cái tên Ansar Bayt al-Maqdis. Thủ lĩnh của nhóm này, Muhammad al-Isawi - hay được gọi nhiều hơn bằng biệt danh Abu Osama, "lên ngôi" sau khi kẻ tiền nhiệm Abu Du’a al-Ansari bị ám sát vào tháng 8-2016.
Cư dân ở Cairo - Ai Cập cầm nến tưởng nhớ nạn nhân vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo ở Bắc Sinai Ảnh: REUTERS
Nhà thờ trên có thể đã bị tấn công vì có liên hệ với những tín đồ dòng Hồi giáo Sufi - một nhánh thần bí của đạo Hồi. Đây được biết tới là nơi ra đời của Sheikh Eid al-Jariri, người sáng lập Hồi giáo Sufi ở Sinai. IS, cũng như al-Qaeda và các tổ chức Sunni cực đoan khác trước đó, đều phản đối kịch liệt người Sufi.
Tuy nhiên, đối với IS, mối thâm thù không chỉ dừng lại ở khác biệt tôn giáo: 2 năm qua, Sufi đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng an ninh Ai Cập trên bán đảo Sinai trong nỗ lực chống lại IS và chặn đường tuyển mộ của nhóm khủng bố tàn bạo này trong cộng đồng người Beduin địa phương. Những tháng gần đây còn chứng kiến một cuộc chiến thị tộc đã đưa một số bộ lạc (đặc biệt là Tarabin) ra mặt chống lại IS.
Sự dâng cao của các vụ giết chóc lẫn nhau - trong đó có các vụ chặt đầu (không chỉ bên phía IS) - có thể liên quan tới cuộc tấn công hôm 24-11. Hồi tháng 5-2016, 8 phần tử IS đã bị các bộ lạc xử tử để trả đũa vụ đánh bom xe gần một trại Tarabin (Tarabin là bộ tộc người Bedouin quan trọng nhất ở Sinai - PV).
Trong số những ngòi nổ của những cuộc đụng độ này là nỗ lực của chi nhánh IS trong việc kiểm soát hoạt động buôn lậu dọc biên giới với Dải Gaza và ngăn chặn dòng thuốc lá bị bọn họ cấm sử dụng vào Sinai. Những hạn chế này đe dọa kế sinh nhai của người bộ lạc Tarabin và họ đã phản ứng bằng bạo lực.
Thế nhưng, ngoài sự tàn bạo của IS và xung đột giữa các bộ tộc, thực tế vụ tấn công này đem lại, và đây cũng không phải lần đầu tiên, là mức độ khó khăn mà quân đội Ai Cập phải đối mặt trong nỗ lực chống lại cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Sinai. Thực ra, tần suất các vụ tấn công trên lục địa Ai Cập gần đây đã giảm và thậm chí quân đội ở Sinai đã có thể tương đối dễ thở. Tuy nhiên, tình báo Ai Cập phải đương đầu với những khó khăn hiển nhiên trong nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng thực sự ở bán đảo này, trong đó có vấn đề tập hợp đủ nhân lực và công nghệ để kiềm chế khủng bố tại đây.
Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự mới nhằm vào những kẻ tấn công tàn độc. Không lâu sau, nổi lên những thông tin về các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố và hàng chục tên đã thiệt mạng. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã ngăn cản Ai Cập thực hiện những hành động như vậy trước cuộc tấn công và tại sao những nỗ lực theo sau các vụ tấn công trước đó không mang lại kết quả đáng kể nào.
Ai Cập từ lâu không muốn mở rộng chiến dịch chống khủng bố tại Sinai. Có lẽ cái giá phải trả của một hành động như thế khiến Cairo ngần ngại. Hoặc lý do có thể là chính phủ nước này không quá bận tâm chừng nào chủ nghĩa khủng bố không vượt ra bên ngoài Sinai. Dù vậy, những kẻ khủng bố đã tàn sát cư dân thị trấn nhỏ Bir al-Abd rồi sẽ nhằm vào những khu nghỉ mát ngập ánh nắng của biển Đỏ và mục tiêu tiếp theo có thể chính là Cairo.
Bình luận (0)