xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự cố hạt nhân rất nghiêm trọng

Hoàng Phương

Nỗ lực khắc phục sự cố hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị đình trệ bởi mức phóng xạ cao xung quanh nhà máy này

Nhà chức trách Nhật Bản hôm 16-3 đã ra lệnh cho các công nhân tạm rời khỏi Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau khi mức phóng xạ ở đó tăng vọt. Quyết định này đã khiến nỗ lực bơm nước biển để làm mát các lò phản ứng bị đình trệ.
 
Vài giờ sau đó, theo hãng tin AP, các quan chức Nhật Bản nói họ đang chuẩn bị đưa công nhân trở lại nhà máy. Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho biết những công nhân nói trên không có lựa chọn nào khác là phải rời khỏi nhà máy vì nguy cơ nhiễm phóng xạ gia tăng.
 
img
Tiếp sau động đất và sóng thần, người dân Nhật lại lo lắng về nguy cơ nhiễm phóng xạ. Ảnh: REUTERS

Lò phản ứng số 5 gặp rắc rối

Trong khi đó, đài NHK chiếu cảnh trực thăng quân sự nghiên cứu mức phóng xạ phía trên nhà máy trong động thái chuẩn bị dội nước xuống các lò phản ứng đang gặp sự cố. Dù vậy, các quan chức Nhật Bản sau đó cho hãng tin Kyodo biết kế hoạch này không thể thực hiện được do mức phóng xạ cao xung quanh nhà máy.

Trước đó, vào sáng 16-3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết hỏa hoạn lại xảy ra tại lò phản ứng số 4 của Nhà máy Fukushima Daiichi.
 
Sau đó, TEPCO cho biết họ không còn nhìn thấy khói và lửa bốc lên từ đó nhưng không thể xác nhận liệu hỏa hoạn đã được dập tắt hay chưa. Theo hãng tin Reuters, các công nhân đang tìm cách xây một con đường khẩn cấp để xe cứu hỏa có thể tiếp cận lò phản ứng này.

Theo TEPCO, khoảng 70% số thanh nhiên liệu hạt nhân tại lò phản ứng số 1 và 33% số thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 2 của nhà máy đã bị hư hại. Các thanh nhiên liệu đã nóng chảy một phần sau khi chức năng làm mát không còn tác dụng.
 
Ngoài ra, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) cho biết lượng mực nước làm mát ở lò phản ứng số 5 của nhà máy cũng đang giảm.
 
Đến 21 giờ ngày 15-3, mực nước phía trên các thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 5 chỉ còn 2 m, thấp hơn 40 cm so với 5 giờ trước đó.
 
NISA có thể điều chỉnh mực nước bằng cách sử dụng máy phát điện của lò phản ứng số 6, vẫn còn nguyên vẹn sau thảm họa sóng thần. Các công nhân hiện đang bơm nước vào các lò phản ứng số 5 và số 6 của nhà máy.
 
Lại xảy ra động đất mạnh

Sự cố hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi đang bắt đầu ảnh hưởng đến những địa phương xung quanh. Các quan chức tỉnh Ibaraki hôm 16-3 cho biết mức phóng xạ tại địa phương này cao hơn 300 lần mức bình thường, dù mức độ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.
 
Phạm vi đe dọa của phóng xạ hạt nhân có thể còn lan rộng khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết gió từ Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ thổi về phía Thái Bình Dương trong ngày 16-3.

Viện Khoa học và An ninh quốc tế, có trụ sở tại Washington (Mỹ) hôm 15-3 nhận định tình hình tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi  “đã trở nên rất nghiêm trọng”.
 
Theo viện này, sự cố tại nhà máy đang tiến gần tới mức 6 trong thang đánh giá từ 1 đến 7. Trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân, Chính phủ Nhật cho biết sẵn sàng hợp tác với quân đội Mỹ khi cần. 
 
Trong lúc này, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục hứng chịu các dư chấn mạnh sau thảm họa động đất, sóng thần vào tuần rồi. Mới nhất là trận động đất mạnh 6 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi tỉnh Chiba, cách Tokyo 96 km về phía Đông, vào lúc 12 giờ 52 phút ngày 16-3.
 
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết trận động đất đã làm rung chuyển các tòa nhà ở Tokyo. Chưa có thông tin về thiệt hại cũng như không có cảnh báo sóng thần được đưa ra sau trận động đất này. Dù vậy, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo về khả năng mực nước biển dâng cao.
 
Lời cảnh báo từ năm 1975

Thiết kế lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima Daiichi – gọi là Mark 1 - đã gây tranh cãi trong hơn 35 năm qua. Tranh cãi này lớn đến mức khiến cho kỹ sư Dale G. Bridenbaugh và 2 đồng nghiệp rời bỏ hãng General Electric – tác giả của thiết kế nói trên – vào năm 1975. Những câu hỏi được đặt ra trong thời gian qua là liệu lò phản ứng kiểu Mark 1 có khả năng xử lý những sức ép khổng lồ trong trường hợp nó mất khả năng làm mát.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Bridenbaugh cho biết Mark 1 chưa được thiết kế để chịu được những tải trọng có thể gặp phải trong một tai nạn quy mô lớn. Ông cho biết: “Vào thời điểm đó, tôi đề nghị đóng cửa một trong các nhà máy điện hạt nhân để tiến hành thêm các cuộc phân tích về vấn đề an toàn.
 
Tuy nhiên, General Electric và các khách hàng không muốn làm như vậy. Vì thế, tôi đã xin nghỉ việc”.  Theo đài ABCNews (Mỹ), 5 trong số 6 lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima Daiichi sử dụng thiết kế Mark 1.
Bi thương và hy vọng

Theo quan trắc và dự báo của giới chuyên môn, bắt đầu từ giữa tháng 3, mùa hoa anh đào bắt đầu chớm nở từ phương Nam, quần đảo Okinawa lan tỏa dần đến các tỉnh miền Nam quần đảo Honshu như Hiroshima, Osaka, Kyoto, Tokyo…và xuôi về các tỉnh phương Bắc kéo dài đến đảo Hokkaido vào đầu tháng 5.
 
Nhìn cảnh tượng kinh hoàng do sóng thần và địa chấn tàn phá, tang thương và đau đớn đến tận cùng của hàng trăm ngàn người dân vùng Đông Bắc…; với nỗi khiếp sợ đang phủ lên toàn nước Nhật vì nhiễm xạ do nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima rò rỉ… còn có ai dám nghĩ đến việc nhìn ngắm (hanami) những rặng cây hoa anh đào trắng muốt nở rộ theo dòng chảy của thời gian và nắng ấm? Thiên nhiên ban cho con người những cảnh vật hùng vĩ của biển cả, lãng mạn của cỏ cây, hoa lá… nhưng cũng thử thách con người trước thiên tai mà người Nhật hôm nay đang phải chịu đựng!
 
Lần này, thảm họa của thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa phun trào kết hợp với nhân họa do nhiễm xạ (chưa đo lường hết được) ở một đất nước đang đối phó với nền kinh tế chao đảo, nguy cơ sụp đổ về chính trị của Đảng Dân chủ do Thủ tướng Naoto Kan lãnh đạo càng làm cho dân tình ngao ngán, thất vọng trong khi vẫn bị ám ảnh về dư chấn xảy ra dồn dập.
 
Liệu gió xuân đang về với màu hoa đào trắng muốt tinh khôi năm nay có đem lại cho người dân Nhật một tia hy vọng sáng sủa, rũ bùn của sóng thần, đứng lên xây dựng lại từ đổ nát được không?
 
 Nhìn vào sự bình tĩnh, trật tự, đoàn kết và chịu đựng kiên nhẫn, nhường nhịn… đến lạ kỳ qua những hình ảnh trên truyền hình suốt mấy ngày qua, chúng ta có thể tin tưởng họ sẽ thắng như đã từng thắng sau trận bom hủy diệt ở Hiroshima và Nagasaki tháng 8-1945.
 
Chắc chắn, hàng triệu người dân xứ sở hoa anh đào sẽ đón một mùa xuân trong bi thương và hy vọng giữa tháng 4 sắp đến.
 
Hồng Lê Thọ
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo