Ông Donald Trump đang ở căn hộ trên đường Fifth Avenue, cách Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) khoảng 6,4 km, với một cuộc sống hoàn toàn khác vào ngày định mệnh năm 2001. Khi tòa tháp đôi sụp đổ, ông chỉ ra mặt nói vài lời về những kẻ tấn công và những thương tổn mà thành phố quê hương phải gánh chịu.
Điều này tương phản rõ rệt với những phát biểu đanh thép thời gian gần đây của tổng thống Mỹ về những kẻ khủng bố và sự ca ngợi người Hồi giáo.
Trong lễ kỷ niệm 16 năm sự kiện 11-9, ông Donald Trump đã tiến hành một nghi thức quen thuộc đáng buồn của các nhà lãnh đạo Mỹ. Tại Nhà Trắng, ông đứng thinh lặng trong tư thế cúi đầu, tay nắm chặt, mặc niệm khoảnh khắc chiếc máy bay bị không tặc lao vào WTC. Sau đó, tại Lầu Năm Góc, nơi bị một chiếc máy bay khác đâm vào, ông chủ Nhà Trắng hứa hẹn về lòng quyết tâm của Mỹ.
"Những kẻ khủng bố tấn công chúng ta nghĩ rằng chúng có thể gây ra nỗi sợ hãi và làm suy yếu tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể bị hăm dọa và những ai cố làm điều đó sẽ bị bổ sung vào danh sách dài những kẻ thù bị đánh bại dám thách thức lòng can đảm của chúng ta" - ông Donald Trump tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump trong lễ kỷ niệm ngày 11-9 tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP
"Quân đội Mỹ đang không ngừng truy đuổi và hủy diệt kẻ thù của tất cả những người văn minh. Chúng ta khiến cho những kẻ giết người tàn nhẫn này hiểu rằng: không có góc tối tăm nào ngoài tầm với, không có nơi ẩn náu nào vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và không có nơi nào để lẩn trốn trên trái đất rộng lớn này" - tổng thống Mỹ nói thêm.
Trước đây, phản ứng đầu tiên của ông Donald Trump vài giờ sau vụ tấn công có tính kiềm chế hơn. Khi đó, vị tỉ phú đã tiết lộ ý định tranh cử tổng thống nhưng chưa đi theo những ý tưởng cứng rắn xuất hiện trong cuộc tranh cử 2016.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh khi đó, ông Donald Trump cho biết nếu là tổng thống, ông sẽ thực hiện "một hành động cực kỳ, cực kỳ cứng rắn" nhưng không đưa ra kết luận nào về danh tính những kẻ tấn công Mỹ.
Ảnh: AP
Vị doanh nhân nổi tiếng thề rằng tinh thần của thành phố quê hương và cả của ông không thể bị phá vỡ. Ông cũng không thể cưỡng lại việc nhận ra rằng khi tòa tháp đôi 110 tầng sụp đổ, tòa nhà của ông ở số 40 Wall Street trở thành tòa nhà cao nhất khu Lower Manhattan.
Trong những năm sau đó, quan điểm của ông Donald Trump về chủ nghĩa khủng bố trở nên cứng rắn hơn trong khi những tuyên bố của ông về sự kiện 11-9 ngày càng xa lạ và không đúng sự thật. Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông thường cam kết "rải bom tiêu diệt hết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng" và thề ban bố lệnh cấm người Hồi giáo.
Vào năm 2013, ông từng viết trên Twitter: "Tôi muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả mọi người, kể cả những kẻ căm ghét và thua cuộc, vào ngày đặc biệt 11-9 này". Trong cuộc tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng nhắm vào người Hồi giáo khi nói rằng "hàng ngàn người đã ăn mừng" tại TP Jersey, bang New Jersey, khi tòa tháp đôi sụp đổ. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho tin tức trên.
Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania Trump trong lễ tưởng niệm vụ 11-9 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Vị tỉ phú cũng khẳng định ông mất đi "hàng trăm người bạn" trong cuộc tấn công và đã hỗ trợ việc dọn dẹp đống đổ nát sau đó. Dù không nêu tên những người đã mất nhưng ông có nhắc đến một linh mục Công giáo thiệt mạng khi làm tuyên úy tại sở cứu hỏa thành phố.
Doanh nhân nổi tiếng còn chỉ trích cựu Tổng thống George W. Bush vì thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho người Mỹ. Ngoài ra, ông cho rằng người tiền nhiệm Barack Obama đã không hành động đủ để xóa bỏ mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Hồi giáo nhưng lại không nói rõ là "khủng bố Hồi giáo cực đoan".
Vị tổng thống đã cho thấy một số dấu hiệu về việc bị ảnh hưởng bởi áp lực của chức vụ. Khi thông báo chiến lược chiến tranh tại Afghanistan vào tháng trước, ông thừa nhận rằng "những quyết định đều khác biệt rất nhiều khi ngồi vào bàn trong Phòng Bầu dục".
Ảnh: AP
Dịp kỷ niệm sự kiện 11-9 năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã tham dự một hoạt động truyền thống hằng năm đối với các tổng thống: đó là cuộc họp ngắn về tình hình khủng bố hiện nay.
"Mục đích của việc này là giúp tổng thống hiểu rõ về mối đe dọa khủng bố trên toàn cầu và tại quê nhà" - cố vấn an ninh nội địa Tom Bossert nói. Theo lời ông Bossert, vào ngày 11-9 năm nay, họ không phát hiện mối đe dọa nào.
Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper nhận định cuộc họp có thể đánh dấu một bước tiến mới đối với ông Donald Trump và cũng là lời nhắc nhở rằng hiện tại ông là người chịu trách nhiệm đối với sự an nguy của đất nước.
"Mục đích của tất cả những cuộc họp, không quan trọng ngày tháng, là đánh giá mối nguy hiện tại và giữ gìn đất nước an toàn. Nhưng vào ngày 11-9, đó lại là một nghĩa vụ trang nghiêm đối với những người dân Mỹ đã thiệt mạng" - ông Clapper nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tham dự lễ kỷ niệm 16 năm sự kiện 11-9
Bình luận (0)