Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du Trung Đông và châu Âu trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iraq. Ông Kerry đã đến Ai Cập hôm 22-6, sau đó dự kiến thăm Jordan, Iraq, Bỉ và Pháp. Hiện chưa rõ thời điểm ngoại trưởng Mỹ đến những nước còn lại.
Chuyến công du nêu trên diễn ra trong bối cảnh Iraq đang đứng trước nguy cơ chia cắt bởi mâu thuẫn sắc tộc và sự bất lực của chính phủ trong việc đối phó cuộc nổi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL). Chính vì thế, trong chuyến thăm Baghdad lần này, ông Kerry sẽ phải trấn an người dân Iraq rằng Mỹ không thiên vị bất kỳ giáo phái nào khi kêu gọi sự chuyển giao chính trị tại Iraq.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng Mỹ cần phải cho thấy ISIL không chỉ đe dọa nước Mỹ mà còn cả Iraq. Một nhiệm vụ khó khăn không kém là làm sao thuyết phục được Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, một người Hồi giáo dòng Shiite, thiết lập quan hệ tốt hơn với người Sunni và người Kurd.
Lực lượng Iraq tham gia chiến dịch truy quét quân nổi dậy ở TP Ramadi gần đây
Ảnh: Reuters
Đài ABC News dẫn lời các nhà phân tích nhận định đây là sứ mệnh không hề dễ dàng đối với ông Kerry. Trước hết, Thủ tướng al-Maliki cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ trong việc chia sẻ quyền lực và quyền lợi kinh tế với người Sunni, bất chấp sức ép của Washington.
Ngay cả các giáo sĩ Shiite hàng đầu ở Iraq cũng quay sang chỉ trích cách thức ông al-Maliki giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Hơn nữa, Mỹ lại đang khiến người Sunni ở Iraq thất vọng khi tìm kiếm sự hợp tác với Iran, nước có đa số là người Shiite, để đối phó kẻ thù chung là ISIL.
Ramzy Mardini, một chuyên gia về Iraq tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở thủ đô Amman - Jordan, nhận định: “Đây sẽ là kinh nghiệm đầu tiên của ông Kerry khi tham gia xử lý vấn đề nội bộ ở Iraq. Ông sẽ đối mặt với thực tế khó khăn nếu nghĩ rằng mọi chuyện có thể giải quyết trong một chuyến thăm”.
Theo ông Mardini, ngoại trưởng Kerry sẽ phải giải thích chuyện Mỹ ủng hộ những thay đổi chính trị ở Iraq không nhằm chống lại ông Maliki. Ngoài ra, ông Kerry cần phải thuyết phục được Baghdad rằng việc Mỹ đàm phán với Iran sẽ có lợi cho mọi người dân Iraq, kể cả người Sunni, về lâu dài.
Trước khi ông Kerry đến Baghdad, các tay súng ISIL đã mở rộng tầm hoạt động ở tỉnh miền Tây Anbar và chiếm được 4 thị trấn trọng yếu là Al-Qaim, Rawa, Ana và Husaybah. Trong đó, thị trấn Al-Qaim nằm cạnh biên giới với Syria, nơi ISIL hoạt động mạnh mẽ.
Cả 4 thị trấn này đều nằm trên một con đường cao tốc chạy từ Syria đến Baghdad. Điều này làm gia tăng nguy cơ các tay súng sẽ tấn công và bao vây Baghdad từ phía Tây. Đáng chú ý là thị trấn Husaybah chỉ cách Baghdad khoảng 100 km.
Theo đài CNN, các tay súng từ Syria có thể tiếp cận ngoại ô Baghdad trong chưa đầy 4 giờ. Để ngăn chặn kịch bản này, chính phủ Iraq đã triển khai quân đội đến Anbar nhằm đối phó ISIL.
Ngoài ra, Baghdad đang chờ nhóm đầu tiên trong số 300 cố vấn quân sự Mỹ được phái đến Iraq để giúp họ ngăn chặn phiến quân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, giáo sĩ Shiite Nassir al-Saedi cảnh báo sẽ tấn công cố vấn quân sự Mỹ nếu họ đến Iraq.
Bình luận (0)