Tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến tự "kết liễu" trên sao Thổ vào ngày 15-9 và có thể phải mất hơn một thập kỷ nữa thì con người mới có thể nhìn thấy lại hành tinh này.
Hành trình hàng tỉ km
Đây là bước cuối cùng trong hành trình bay vòng quanh sao Thổ kéo dài nhiều tháng qua của tàu Cassini, cho phép các nhà khoa học có cái nhìn cận cảnh chưa từng có về hành tinh thứ 6 tính từ mặt trời này. Đó cũng là sự kết thúc của sứ mệnh giúp cách mạng hóa sự hiểu biết của con người về sao Thổ, cũng như hai thế giới có thể là nơi sinh sống của người ngoài hành tinh - hai mặt trăng Titan và Enceladus của sao Thổ.
Có kích thước bằng chiếc xe buýt đưa đón học sinh và được phóng từ trái đất vào ngày 15-10-1997, Cassini đi vào quỹ đạo sao Thổ từ tháng 7-2004 sau khi trải qua hành trình dài hàng tỉ km. Con tàu trị giá 3,2 tỉ USD này được đặt tên theo nhà thiên văn học Giovanni Cassini, người đã khám phá ra 4 mặt trăng của sao Thổ và một khoảng trống trong các vành đai của hành tinh này. Cassini chở theo một "hành khách" duy nhất: Tàu vũ trụ Huygens do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo và đặt tên theo nhà khoa học người Hà Lan Christiaan Huygens - người khám phá ra mặt trăng Titan.
Vài tháng sau khi Cassini tới quỹ đạo sao Thổ, Huygens tách ra và chạm vào bờ của một trong những hồ chứa metan lỏng của Titan. Đó là lần đầu tiên con người "đặt chân" lên một mặt trăng khác với mặt trăng của trái đất và là lần hạ cánh đầu tiên trong vùng hệ mặt trời bên ngoài.
Cùng với cú đáp hoàn hảo của Huygens, Cassini khảo sát sự hình thành và hoạt động của vành đai sao Thổ, phát hiện ra một cơn bão rộng 8.000 km ở cực Nam sao Thổ, đồng thời lần đầu tiên "soi" được cơn bão lục giác ở cực Bắc hành tinh này. Các nhà khoa học đã viết được khoảng 4.000 trang giấy nghiên cứu từ 635 GB dữ liệu do Cassini thu thập cho đến giờ.
Tàu vũ trụ Cassini Ảnh: NASA.GOV
Khám phá đáng giá nhất là các mặt trăng đại dương của sao Thổ. Trong đám sương mù quanh Titan, Cassini phát hiện các phân tử có thể là tiền thân hoặc dấu hiệu của các hoạt động sinh học trên hành tinh giàu khí metan này. Còn tại mặt trăng Enceladus phủ băng, Cassini tìm thấy bằng chứng về một đại dương ngầm và các mạch nước phun ra những thành phần có thể duy trì sự sống.
Tuy nhiên, Cassini không được trang bị thiết bị phát hiện sự sống bởi không ai có thể tưởng tượng nó có thể khám phá những điều như vậy khi được phóng lên từ 20 năm trước. Giờ đây, 2 mặt trăng nói trên thuộc số những nơi tốt nhất trong hệ mặt trời để tìm kiếm các sinh vật ngoài hành tinh. Chúng cũng trở thành trọng tâm trong một số đề xuất cho các sứ mệnh mới của NASA.
Nạn nhân của thành công
Với những thành tựu trên, không có gì quá khi xếp sứ mệnh Cassini vào đầu danh sách những dự án thám hiểm không gian thành công nhất từ trước tới nay. "Đây là một di sản to lớn và hành trình của Cassini chắc chắn sẽ được viết thành sách giáo khoa" - nhà khoa học Linda Spilker, người tham gia sứ mệnh phóng Cassini từ năm 1988, đánh giá.
Trớ trêu thay, Cassini lại là nạn nhân của chính thành công mà nó tạo ra. Chính những phát hiện về Titan và Enceladus nên tàu vũ trụ này đã bị "kết án tử".
Khi nhận thấy tàu dường như sắp hết nhiên liệu năm 2009, các nhà khoa học NASA đã xem xét các lựa chọn và cho rằng không thể để tàu "lang thang" trong không gian bởi nó có nguy cơ rời khỏi quỹ đạo và va chạm với Titan hoặc Enceladus. Một kịch bản như thế có thể gây ô nhiễm cho môi trường trên đó. Một lựa chọn khác là đưa Cassini tới quỹ đạo xa hơn hoặc một hành tinh khác. Dù vậy, quyết định cuối cùng là để Cassini tự kết liễu bằng cách đâm vào sao Thổ.
NASA hy vọng trong sứ mệnh cuối cùng này, tàu sẽ giúp tính được thời gian một ngày trên sao Thổ - một thành tựu vẫn còn lảng tránh các nhà khoa học cho đến giờ. Sứ mệnh tự sát của Cassini đã bắt đầu từ tháng 4 và dự kiến kết thúc bằng một cú đâm mạnh vào bầu khí quyển của sao Thổ trong ngày 15-9.
Ngay sau nửa đêm 14-9 (giờ Mỹ), Cassini sẽ hướng các thiết bị vào bầu khí quyển của sao Thổ và bắt đầu truyền dữ liệu về những gì nó nhìn thấy lúc đó. Khoảng 3 giờ sau, Cassini sẽ vào bầu khí quyển sao Thổ, không còn khả năng gửi tín hiệu về trái đất trước khi bị đốt cháy ở đó.
Cái kết của Cassini cũng chấm dứt "sự hiện diện" của nhân loại ở sao Thổ. NASA vẫn chưa có sứ mệnh mới nào cho hành tinh này dù một số đề xuất đã được đưa ra. Tuy nhiên, ngay cả khi một sứ mệnh mới được phê duyệt ngay hôm sau Cassini "mất mạng" thì cũng phải mất hơn một thập kỷ nữa con người mới được thấy lại sao Thổ, các vành đai hoặc mặt trăng của nó. Việc chế tạo một tàu vũ trụ mới và chờ nó hoàn tất hành trình dài 1,2 tỉ km đến vùng hệ mặt trời ngoài mất rất nhiều thời gian.
Đối với các nhà khoa học cống hiến cuộc đời mình cho sứ mệnh này, đó là một mất mát to lớn. "Khi Cassini "chết đi" thì sự kết nối giữa chúng tôi và sao Thổ cũng không còn" - bà Spilker ngậm ngùi.
Bình luận (0)