Mặc dầu không phải là vị Pharaon danh tiếng nhất của Ai Cập cổ đại song ở thời hiện đại, Tutenchamon lại được xem là nhân vật nổi tiếng nhất, được chú ý nhiều nhất không chỉ trong giới khảo cổ mà với bất kỳ người nào quan tâm đến văn hóa Ai Cập.
Khi ngôi mộ chứa đầy châu báu của ông được tìm thấy năm 1922, cũng là lúc hàng loạt câu chuyện bí ẩn hãi hùng về những lời nguyền xác ướp Ai Cập bắt đầu được lan truyền và gây chấn động cả thế giới. Đã có hơn 40 cái chết bí ẩn của các nhà khoa học, các nhà khảo cổ và chức trách địa phương được cho là có liên quan đến lời nguyền trên xác ướp của Tutenchamon. Chính vì có quá nhiều huyền thoại cũng như bí ẩn nên đã có rất nhiều nhà khoa học của Ai Cập và thế giới bắt tay vào nghiên cứu xác ướp của vị vua trẻ tuổi này với những phương pháp, phương tiện khoa học hiện đại nhất. Một trong những vấn đề đã được các nhà khoa học làm sáng tỏ chính là nguyên nhân cái chết bí ẩn của vua Tutenchamon.
Còn nhớ, năm 1968, khi chiếc quách cuối cùng của xác ướp Tutenchamon được mở ra, người ta đã tiến hành chụp xác ướp bằng tia Xquang để nghiên cứu. Những tấm ảnh khi đó cho thấy có một vết thủng với những rãnh nứt ở đằng sau hộp sọ của xác ướp. Liên kết với những tài liệu thu thập được, các nhà khoa học đã cho rằng vết thương đó chính là nguyên nhân gây tử vong cho vị Pharaon mới 19 tuổi này, ông đã bị đánh mạnh vào đầu khiến cho vỡ sọ và xuất huyết não mà chết.
Người ta cũng khẳng định rằng, Tutenchamon là nạn nhân trong một kế hoạch ám sát nhằm tranh quyền đoạt vị. Theo một vài nhà sử học, hoàng đế bị giết vì ông là người chủ trương đường lối dị giáo, muốn đưa Ai Cập trở lại với truyền thống đa thần giáo. Thêm vào đó, vì còn quá ít tuổi nên lúc nắm quyền ông cũng có nhiều mâu thuẫn và phải chịu sự khống chế của các đại thần thân cận. Trong số này có Ay - một tể tướng chỉ huy quân đội, người được cho là có nhiều động cơ để ám sát nhà vua nhất. Bởi chỉ ngay sau khi Tutenchamon qua đời, vị tể tướng thân tín này đã lấy ngay hoàng hậu vợ vua và lên ngôi nắm quyền. Tất nhiên, lịch sử không viết lại những chuyện này, tất cả đều chỉ là suy luận. Cho dù những suy luận ấy logic đến đâu, hiển nhiên đến đâu, không ai có thể đoán chắc được sự thật là thế nào.
Song có một sự thật là, khi kết luận này đưa ra đã khiến giới bác sĩ pháp y tỏ ý không đồng thuận. Nhiều người cho rằng đó là một kết luận vội vàng và thiếu căn cứ bởi theo như kết quả nghiên cứu xác ướp thì Tutenchamon chết trong tình trạng cơ thể không được khỏe mạnh cho lắm. Điều này là vô lý đối với một chàng thanh niên 19 tuổi, cái tuổi được cho là đang sung sức nhất. Thêm nữa, các dấu hiệu khi chết trên xác ướp không chứng tỏ được rằng đó là cái chết tức thời, xảy ra bởi một đòn đánh chí mạng.
Sự thật nằm ở mảnh vỡ xương đùi
Năm 2005, do chưa thỏa mãn với những kết luận trước đó về nguyên nhân cái chết của ông hoàng Tutenchamon, giới chức khoa học của Ai Cập đã thuyết phục được chính phủ chấp thuận kế hoạch di chuyển thi hài Tutenchamon từ hầm mộ trong Thung lũng các ông hoàng về thủ đô Cairo, Ai Cập - nơi có đầy đủ các phương tiện khoa học hiện đại nhất để xét nghiệm nhằm tìm hiểu thực sự điều gì đã dẫn đến cái chết của vị vua trẻ hơn 3.000 năm trước.
Qua kỹ thuật chụp Xquang 3 chiều và scan bằng sóng vô tuyến, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Anh, giới chuyên gia đã đưa ra một kết luận khác hẳn với những kết luận trước đó - vị hoàng đế băng hà vì bệnh nhiễm trùng, tai họa xảy ra sau thời gian bị gãy chân, có thể sau cú ngã xe ngựa. Còn vết lõm sau gáy chỉ là lỗi của các nhà khảo cổ trong lúc lấy xác ướp từ cỗ quan tài. Chính vị Bộ trưởng Văn hoá Ai Cập, Farouk Hosni đã công bố với giới báo chí kết luận này và ông còn nhấn mạnh rằng, đây sẽ là câu trả lời cuối cùng cho nghi vấn đây có phải là âm mưu của một vụ ám sát không?
Với phương pháp kỹ thuật này, chỉ trong vòng 15 phút có thể cho ra tới 1.700 bức ảnh. Những bức ảnh này hoàn toàn có thể làm sáng tỏ các bí mật liên quan đến những căn bệnh và lối sống xác ướp dù có tới hàng ngàn năm tuổi. Vua Tutenchamon là người đầu tiên được sử dụng công nghệ này trong một dự án nghiên cứu kéo dài 5 năm của Chính phủ Ai Cập nhằm bảo tồn các xác ướp cổ đại với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại. "Việc chụp cắt lớp vi tính có thể cho ta biết một cách khá chính xác bất cứ căn bệnh nào, bất cứ tổn thương nào mà ông vua trẻ tuổi Tutenchamon đã mắc phải trước khi qua đời, cũng như tuổi thực của ông và xa hơn nữa là nguyên nhân cái chết", Trưởng nhóm nghiên cứu Zahi Hawass, đồng thời là lãnh đạo Hội đồng tối cao di sản Ai Cập cho biết.
Tuy nhiên, trong các bức ảnh chụp được không có bất kỳ bằng chứng nào khớp với các giả thuyết rằng hoàng đế đã bị ám sát. Vết vỡ nứt ở xương sọ xảy ra sau khi chết rất lâu. Thay vào đó là phát hiện về một mảnh xương đùi vỡ và những vết nứt ở xương đùi trái, cho thấy hoàng đế đã bị gãy xương trước khi chết không lâu. Đấy là một vết thương trầm trọng sau một va đập mạnh. Theo suy luận thời bấy giờ, y học chưa có cách xử lý thỏa đáng đối với những chấn thương nghiêm trọng như vậy.
Chính vết thương này đã dẫn đến tình trạng xuất huyết không cầm được và nhiễm trùng, bởi xung quanh chỗ xương gãy có nhiều vết hằn đen chứng tỏ sự có mặt của vi khuẩn. Theo ông Hawass, cách lý giải có thể chưa phải là lý giải cuối cùng, song hợp lý hơn nhiều so với cách lý giải của năm 1968. Và ông cũng hy vọng rằng câu chuyện về cái chết của vị Pharaon trẻ tuổi Tutenchamon sẽ kết thúc tại đây. "Chúng ta không nên làm phiền vị hoàng đế này thêm nữa, bởi có thế nào thì ông ấy cũng đã là một phần của văn hóa Ai Cập cổ đại và sẽ sống mãi trong lịch sử văn hóa Ai Cập"- ông Hawass khẳng định.
Bình luận (0)