Theo kết quả bầu cử, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Merkel chỉ xếp thứ ba với 19% phiếu bầu, đứng sau Đảng Dân chủ Xã hội (SPD, hơn 30% số phiếu) và “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD, 21% số phiếu) - đảng dân túy cánh hữu với chủ trương chống người nhập cư.
Cuộc bỏ phiếu trên được xem là cuộc sát hạch then chốt trước cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Giới quan sát nhận định kết quả một loạt cuộc bầu cử nghị viện bang ở Đức thời gian qua là câu trả lời rõ ràng của cử tri đối với chính sách người tị nạn gây tranh cãi của Thủ tướng Merkel.
Nhiều nhân vật quan trọng trong Đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU), đảng kết nghĩa với CDU, lên tiếng thúc giục nhà lãnh đạo Đức có lập trường cứng rắn với người di cư. Bộ trưởng Tài chính bang Bavaria Markus Söder nhận định việc CDU nhận chưa đến 20% phiếu bầu tại Mecklenburg-Vorpommern là “hồi chuông cảnh tỉnh” trong khi Tổng Thư ký CSU, ông Andreas Scheuer, cho rằng chính phủ liên bang phải thay đổi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị G20 ở Hàng Châu-Trung Quốc hôm 4-9. Ảnh: REUTERS
Đáp lại, Tổng Thư ký CDU Peter Tauber dù thừa nhận kết quả bầu cử là “cay đắng” nhưng nhấn mạnh nó không ảnh hưởng đến triển vọng Thủ tướng Merkel tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017, bất chấp việc tỉ lệ ủng hộ bà Merkel đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua - 45% so với 63% của tháng 9 năm ngoái.
Cách đây 12 tháng, Thủ tướng Merkel đã khiến cả người dân Đức lẫn các đối tác châu Âu kinh ngạc khi mở cửa biên giới cho hơn 1 triệu người tị nạn. Tranh cãi dần lắng xuống cho tới tháng 7 qua khi một loạt vụ tấn công cực đoan xảy ra ở Đức. Đối mặt chỉ trích ngày càng nhiều, chính phủ Đức đã âm thầm nhưng mạnh tay trục xuất những ai không đáp ứng được các điều kiện về tị nạn cũng như hạn chế việc đoàn tụ gia đình.
Dù số người di cư đến Đức năm 2016 giảm mạnh do các nước Nam Âu đóng cửa biên giới, theo kênh RT, song Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hôm 4-9 nói Berlin đang cân nhắc gửi trả người tị nạn lại Hy Lạp vì không thể cáng đáng gánh nặng một mình. Ở chiều ngược lại, những khó khăn khi tìm việc cũng khiến nhiều người nhập cư vào Đức vỡ mộng. Trong vòng 1 năm qua, hơn 30.000 người tị nạn đã có những công việc lương thấp trong nhà hàng, công trình… song còn tới 1 triệu người phải chờ đợi.
Bình luận (0)