Chỉ trong ngày 24-7 xảy ra 2 vụ tấn công: Vụ nổ bên ngoài một lễ hội âm nhạc ở TP Ansbach khiến 1 người chết và 12 người bị thương và vụ 1 phụ nữ mang thai bị chém chết ở TP Reutlingen. Trước đó, vụ tấn công bằng rìu trên xe lửa ở TP Wuerzburg hôm 18-7 làm 5 người bị thương.
Cả 3 vụ tấn công này đều do người tị nạn gây ra, 2 vụ mới nhất là do các nam thanh niên Syria và vụ hôm 18-7 là một thanh niên Afghanistan.
Riêng vụ xả súng ở Munich làm chết 10 người, bao gồm nghi phạm, tối 22-7 do một thiếu niên người Đức gốc Iran gây ra.
Theo ông Frank Decker - nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH Bonn, “trong tâm trí của nhiều người, những kẻ tấn công này liên quan trực tiếp tới bà Merkel và chính sách tị nạn cởi mờ của nữ chính trị gia”. Đó là chưa kể các vụ tấn công xảy ra không lâu sau khi người dân châu Âu hốt hoảng trước vụ cư dân gốc Tunisia tấn công xe tải tại Nice - Pháp, cướp đi sinh mạng của 84 người.
Cảnh sát bắt người đàn ông nghi ngờ tấn công và sát hại tàn bạo một phụ nữ đang mang thai Ảnh: DAILY MAIL
Nhiều người quan ngại rằng hiện tượng “sói đơn độc” tấn công ở châu Âu có thể gây áp lực chính trị đối với bà Merkel. Trong năm 2015, khoảng 1 triệu người di cư đến Đức để chạy trốn những cuộc chiến ở Afghanistan, Syria và Iraq.
Một lãnh đạo của đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) chỉ trích chính sách về người nhập cư của bà Merkel đã mở cửa rộng đường cho quá nhiều thanh niên thất học và Hồi giáo cực đoan đến Đức. Dù không vụ nào trong 3 vụ tấn công gần đây nhất ở Đức có liên quan tới khủng bố song lãnh đạo AfD kể trên vẫn viết trên Twitter: "Cảm ơn liên đảng của bà Merkel vì đã đem khủng bố đến Đức và châu Âu".Thông điệp này sau đó bị xóa.
Tuy nhiên, trang tin Bloomberg nhận định vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động chính trị của các vụ giết người trên đất Đức, đặc biệt là liệu chuyện dính líu của những người tị nạn.
Không giống như Pháp, Bỉ, Đức đã không trở thành nạn nhân của cuộc tấn công lớn nào từ các tay súng Hồi giáo trong những năm gần đây, mặc dù các quan chức an ninh thông báo đã chặn đứng nhiều âm mưu.
Theo báo Anh Daily Mail, tỉ lệ công chúng ủng hộ bà Merkel được cho là tăng lên kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi 23-6, giúp lấy lại phần nào danh tiếng cho nữ thủ tướng Đức sau cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Theo kết quả thăm dò của Viện Thăm dò Allensbach, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel đang nhận được tỉ lệ tí nhiệm cao nhất từ đầu năm đến nay với 35,5%.
Bình luận (0)