Cuộc bỏ phiếu diễn ra bất chấp sự phản đối từ phía Nga, đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và là thành viên HĐBA LHQ có quyền phủ quyết. Moscow từng bác bỏ 6 dự thảo nghị quyết về Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở nước này năm 2011.
Pháp “báo động” về cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở TP Aleppo khi hàng ngàn người dân đang bị mắc kẹt trong những điều kiện ngày càng tuyệt vọng, còn cuộc sơ tán bị trì hoãn. Rất nhiều người dân ở phía Đông Aleppo đang chờ được giải cứu trong điều kiện thời tiết lạnh giá và nguy hiểm.
Vì vậy, Pháp đề xuất LHQ gửi quan sát viên đến Aleppo để giám sát quá trình sơ tán và báo cáo về hoạt động bảo vệ dân thường. Bản dự thảo cũng nêu rõ sẽ bảo đảm hoạt động sơ tán diễn ra dựa trên tinh thần tự nguyện, sự an toàn của người dân ở Aleppo cũng như những khu vực khác dưới sự giám sát và điều phối của LHQ.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hoạt động sơ tán người dân ở phía Đông Aleppo vào sáng 18-12” - bà Elodie Schindler, người phát ngôn Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), cho biết sau khi kế hoạch sơ tán hôm 16-12 thất bại. Thông báo của ICRC được đưa ra sau khi các nguồn tin chính phủ và phe nổi dậy cho biết thỏa thuận sơ tán mới đã đạt được. Tuy nhiên, hoạt động sơ tán mới vẫn chưa được thông báo chính thức và cũng chưa triển khai.
Ông Mounir Hakimi, Chủ tịch Tổ chức Cứu trợ Syria, nói với đài BBC rằng tổ chức từ thiện này đang chờ ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người dân. LHQ cho biết khoảng 30.000 người còn mắc kẹt ở Aleppo sẽ được đưa đến tỉnh Idlib và một số quận do quân chính phủ kiểm soát. Theo hãng tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận người dân được sơ tán khỏi Aleppo có thể trú ẩn tại khu trại gần biên giới phía Bắc nước này.
Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu đã ném bom xuống khu vực Tây Aleppo do phiến quân kiểm soát và phía Bắc Aleppo suốt đêm 17-12 - theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR).
Trong một diễn biến khác, chính quyền Syria đã chuyển giao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bằng chứng quân nổi dậy ở Aleppo sử dụng khí mù tạt. “OPCW sẽ đến Syria lần nữa để thu thập mẫu đem đi phân tích” - ông Samer Abbas, người phát ngôn Cơ quan quốc gia Syria chuyên giám sát việc thực thi Công ước Vũ khí hóa học, cho hay ngày 18-12.
Theo đài RT, các mẫu này dự kiến được đưa đến The Hague - Hà Lan, trụ sở của OPCW, vào tháng 1-2017.
Bình luận (0)