Theo kế hoạch của Nga, một số quyền lực từ chính quyền trung ương sẽ được phân cấp, thiết lập giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ tổng thống (mỗi nhiệm kỳ 7 năm) và cho phép quốc hội phế bỏ người đứng đầu nhà nước.
"Tôi không nhận thấy bất cứ khả năng nào để dự thảo do Nga đề xuất trở thành nền tảng cho tiến trình chỉnh sửa hiến pháp của Syria" - cố vấn cấp cao chính phủ Nga Vitaly Naumkin nói tại cuộc họp do Nhóm thảo luận Valdai chủ trì ở Moscow hôm 21-5. Vị quan chức này nhấn mạnh Nga sẽ không áp đặt người Syria, bởi cả Damascus và phe đối lập "đều không chấp thuận bản dự thảo".
Sau chuyến thăm bất ngờ của ông Assad tới Moscow hôm 17-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Damascus đã nhất trí cử phái đoàn tới các cuộc thảo luận về hiến pháp do Liên Hiệp Quốc chủ trì tại Geneva. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Syria có vẻ không mấy mặn mà và chỉ nói rằng nước này sẵn sàng thảo luận các điều chỉnh cho hiến pháp hiện tại.
Người đàn ông trên đống đổ nát của những ngôi nhà ở al-Hajar al-Aswad - Syria hôm 21-5Ảnh: REUTERS
"Assad không muốn quyền lực bị suy giảm, chứng tỏ ông ta không quan tâm đến giải pháp chính trị. Điều này sẽ khiến lập trường của chính quyền Assad xung đột trực diện với Nga" - người phát ngôn nhóm đối lập chính của Syria, ông Yahya al-Aridi, nói với trang Bloomberg.
Dù chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, đã giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước bị chiến tranh tàn phá này nhưng triển vọng hòa bình vẫn còn xa vời. Mới đây, Tổng thống Putin cho biết ông cùng người đồng cấp Syria đã nhất trí rằng các lực lượng quân sự nước ngoài phải rời khỏi nước này. Phát ngôn này của ông chủ Điện Kremlin bất ngờ tạo ra sự rạn nứt công khai hiếm thấy giữa Moscow và Tehran.
Phía Iran quả quyết chỉ có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải rút đi bởi họ triển khai quân tới Syria bất hợp pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi hôm 21-5 khẳng định sự hiện diện của Iran ở Syria là do chính phủ nước này mời tới để đấu tranh chống khủng bố và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Syria.
Bình luận (0)