Ít nhất 10 nghi phạm hình sự đã tự đầu thú kể từ khi chính quyền địa phương bắt đầu phong tỏa các thành phố, thị trấn và khu dân cư, theo báo cáo của cảnh sát đại lục và truyền thông.
Vụ án rùng rợn nhất liên quan đến một người đàn ông đến từ Nội Mông, bị truy nã vì tội đánh cắp xác chết cho "cuộc hôn nhân ma". Mục đích của nghi lễ này là để đảm bảo nếu một người đàn ông hay phụ nữ chết trẻ khi chưa lập gia đình, họ vẫn có thể đến thế giới bên kia với một người bạn đời.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng nếu những người này chết đi mà không được làm một đám cưới ma, hồn ma của người này sẽ ám những người còn sống trong gia đình, gây ra những tai ương.
Nghi phạm đánh cắp thi thể ở Nội Mông bên ngoài đồn cảnh sát Bayannur. Ảnh: WEIBO
Nghi phạm là một người đàn ông họ Cầu, ra đầu thú ở TP Bayannur vào ngày 11-2. Cảnh sát địa phương cho biết trong một bài đăng trên WeChat rằng người đàn ông trốn kiểm tra danh tính suốt 4 năm nhưng cuối cùng bỏ cuộc sau khi nhân viên cộng đồng bắt đầu kiểm tra mọi người vào hoặc ra khỏi khu phố của ông ta.
Cảnh sát cho biết người đàn ông thú nhận ăn cắp một xác chết và bán cho một gia đình ở tỉnh Thiểm Tây với giá 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16,6 triệu đồng).
Trong khi đó, ở tỉnh Quảng Đông, một người đàn ông 50 tuổi bị truy nã liên quan đến vụ án giết người hồi năm 1993 cũng đầu thú ở TP Hà Nguyên. Người đàn ông họ Trương, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh.
Theo tờ Đô thị phương Nam, ông ta nói với cảnh sát rằng việc kiểm tra nghiêm ngặt thẻ căn cước và thân nhiệt của mọi người làm ông ta nhận ra rằng sớm muộn gì cũng bị bắt.
Người đàn ông bị truy nã trong vụ giết người năm 1993 đã đầu hàng cảnh sát sau nhiều năm chạy trốn ở Quảng Đông. Ảnh: WEIBO
Trốn chạy nhiều năm ở Quảng Đông, ông ta làm nhiều công việc lặt vặt khác nhau nhưng không dám liên lạc với gia đình và bạn bè. Mãi cho đến khi cảm thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở quê nhà, ông ta nghĩ nếu tự quay về thì ít nhất có thể biết tình hình của mọi người. Cảnh sát đã đi 3.500 km để đưa ông ta trở lại Hồ Bắc, kiểm tra xem có nhiễm dịch hay không trước khi giam giữ.
Tuần trước, nghi phạm trong một vụ lừa đảo viễn thông 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 34,8 tỉ đồng) năm 2015 ở tỉnh Sơn Tây bị cảnh tóm được khi cố chạy trốn bằng xe đạp.
Hoàng Tĩnh, chuyên gia về tâm lý tội phạm có trụ sở tại Hàng Châu, cho biết những người chạy trốn với danh tính mới, ở một nơi mới sẽ phải vật lộn khi xã hội rơi vào thời điểm khủng hoảng vì họ thiếu nguồn lực xã hội, thiếu kết nối cá nhân và thu nhập không ổn định. Bà này nói rằng sự lo lắng về dịch bệnh lây lan và sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cộng đồng cũng có thể khiến họ hoảng sợ, tuyệt vọng hoặc thậm chí tự sát.
Bình luận (0)