Nhà máy Thủy điện Sayano-Shushenskaya nằm trên sông Yenisei gần thành phố Sayanoforsk nước Cộng hòa Khakassia thuộc Liên bang Nga là nhà máy thủy điện lớn nhất nước Nga và đứng hàng thứ 6 trên thế giới về quy mô và công suất phát điện (2.560 MW).
Tai nạn xảy ra lúc 8 giờ 13 phút sau một vụ nổ máy biến thế ở tổ máy số 2 có công suất 600 MW làm khối rôto nặng 920 tấn văng khỏi bệ máy phá hủy các thiết bị khác và phòng máy. Nước tràn vào phòng máy gây mất điện liên hoàn. Hệ thống tự động đóng các cửa thép bịt các họng lấy nước bị hỏng và công nhân phải dùng tay để làm công việc dễ nguy hiểm đến tính mạng này để hạn chế thiệt hại.
Oleg Myakishsev, một công nhân thoát chết trong tai nạn, kể lại trên tờ Kommersant, rằng ông thấy tua-bin của tổ máy bay cao khoảng 3 m, xoay tròn như bông vụ. Các mảnh kim loại bay tứ tung phá hủy tất cả, kể cả trần phòng máy. Nước phụt lên 380 m3/giây, nhấn chìm phòng máy trong nháy mắt, nhiều người chết đuối vì chạy không kịp.
Trục trặc liên tục
Tổ máy tua-bin số 2 trước đó đã bị trục trặc nhiều lần, kể từ ngày lắp đặt năm 1979. Sự cố thường xảy ra nhất là vỏ máy bị rung và hư hỏng bạc đạn. Từ tháng 3 đến cuối tháng 11-2000, nó đã được đại tu sau khi phát hiện những vết nứt rộng đến 130 mm trên bánh tua-bin. Tuy nhiên, hiện tượng rung vẫn tồn tại, ngày càng dữ dội, thậm chí vượt mức cho phép. Thế nhưng, nó vẫn được vận hành. Lúc xảy ra tai nạn, công suất máy đạt 475 MW.
Hiện trường vụ nổ tổ máy số 2. Ảnh: FA
Sáng hôm ấy, có 50 công nhân trong phòng máy tua-bin số 2 trong khi tổng giám đốc nhà máy Nikolai Nevolko tổ chức mừng sinh nhật. Họ không có quyền quyết định số phận tua-bin số 2 cũng như không muốn hành động gì khác bởi đã quá quen với hiện tượng rung. Tuổi thọ cỗ máy lúc đó là 29 năm 10 tháng, chỉ còn 2 tháng là hết hạn quy định của nhà sản xuất máy tua-bin.
Ngày 4-10-2009, báo cáo chính thức về tai nạn ở Nhà máy Thủy điện Sayano-Shushenskaya được đăng trên trang web của Cục Giám sát Môi trường, Công nghệ và Hạt nhân Liên bang (Rostekhnadzor). Tuy nhiên, sau đó báo cáo này bị gỡ bỏ cùng một lúc với thông cáo báo chí của cục mà không nêu lý do. Trong báo cáo có danh tính những người chết, những người có trách nhiệm về tai nạn này cùng với dữ liệu kỹ thuật về nhà máy.
Lòng tham không đáy
Theo báo cáo, nguyên nhân đầu tiên là do độ rung làm hỏng khung máy tua-bin. Lúc xảy ra tai nạn, các bu-lông bảo vệ khung máy mất 6 đai ốc nhưng không ai để ý. Dưới áp lực nước làm quay cánh tua-bin lên đến 20 bar, khung máy không chịu nổi vỡ tung dẫn đến tai nạn khủng khiếp.
Báo chí trong nước nghi ngờ tính trung thực của bản báo cáo. Theo điều tra của tờ Izvestia, hiện tượng rung của tổ máy số 2 đã có từ 10 năm trước, trong nhà máy ai cũng biết. Viktor Bobrovski, cựu giám đốc Công ty Điện lực Irkutskenergo, một chuyên gia về thủy điện, nhận định rằng nguyên nhân tai nạn có thể bắt nguồn từ khâu khởi động máy không đúng quy trình làm áp lực nước tăng vọt hoặc do đẩy công suất máy lên quá cao.
Nhà báo Mikhail Afanasyev bị hành hung phải nằm viện 10 ngày. Ảnh: TOR
Ông Bobrovski cho biết các nhà máy điện trong khu vực có thói quen chạy hết công suất máy vì các ông chủ (Nhà máy Thủy điện Sayano-Shushenskaya là công ty cổ phần, trong đó có một phần vốn của chính phủ) muốn có lợi nhuận tối đa. Cũng vì hám lợi mà họ cắt giảm các chi phí bảo trì, vốn đầu tư và an toàn lao động.
Cũng theo ông Bobrovski, cựu giám đốc Nhà máy Sayano - Shushenskaya, ông Valentin Bryzgalov, nói với ông rằng đã từng cảnh báo nguy cơ chạy máy hết công suất khi các trục máy tua-bin bị rung. Hơn nữa, người ta cũng phớt lờ quy trình an toàn.
Cũng có ý kiến cho rằng độ xê dịch của đập nước không được kiểm soát là nguyên nhân tai nạn nhưng RusHydro đã bác bỏ giả thuyết này ngày 11-9-2009. Công ty cho biết độ xê dịch tối đa (141,5 mm) năm nào cũng có và đã giảm bớt trong những năm gần đây.
Nhà báo bị dằn mặt
Đáng chú ý nhất là chuyện ông Mikhail Afanasyev, Tổng biên tập tờ báo mạng Novy Fokus, bị 2 kẻ lạ mặt đánh bất tỉnh ngày 9-9-2009. Ông này từng viết nhiều bài báo phanh phui những bê bối trong nhà máy và tố cáo ban lãnh đạo bưng bít sự thật về số người chết trong tai nạn. Trước đó, ông đã bị chính quyền Khakassia truy tố về tội “gây hoang mang dư luận”. Tuy nhiên, vụ án này được khép lại một cách âm thầm.
Tai nạn đã gây hậu quả nghiêm trọng. Chín trong số 10 tổ máy bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Nhà máy tái hoạt động ngày 24-2-2010 nhưng công tác sửa chữa kéo dài đến 5 năm với phí tổn lên đến 1,2 tỉ USD. Mạng lưới điện hỏng kéo dài khiến nhiều nhà máy trong khu vực bị thiệt hại nặng, trong đó có 2 nhà máy nấu nhôm mất 500.000 tấn sản phẩm. Môi trường sông Yenisei bị ô nhiễm nặng khi 40 tấn dầu trong máy biến thế của nhà máy chảy lan ra 80 km.
Kỳ tới: Bi kịch mang tên Belo Monte
Bình luận (0)