Luật Nhân đạo Quốc tế cho rằng các đập thủy điện là “những công trình chứa sự thoát nước nguy hiểm” bởi sức hủy diệt ghê gớm của nó đối với con người và môi trường. Tai nạn thủy điện tuy không nhiều nhưng sức tàn phá của nó lớn hơn bất cứ tai nạn nhà máy điện nào, kể cả nhà máy điện hạt nhân.
Lời nguyền của một phụ nữ Bania
Vụ vỡ đập thủy điện Machhu II năm 1979 ở bang Gujarat - Ấn Độ là một ví dụ. Nó đã được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness như một vụ vỡ đập tồi tệ nhất thế giới.
Ngày 30-7 vừa qua, một cuộc hội thảo về thảm họa nói trên đã diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ, New Delhi, bàn về cuốn sách No one had a tongue to speak của 2 tác giả Tom Wooten (Mỹ) và Utpal Sandesara (Ấn Độ) xuất thân từ Đại học Harvard phát hành trước đó một tuần tại Ấn Độ, bản tiếng Gujarat.
Cuốn sách bóc trần sự thật đằng sau thảm họa khiến cả chục ngàn người chết này. Sau vụ vỡ đập, chính quyền địa phương đã làm đủ mọi cách để che giấu khuyết điểm của mình, kể cả dùng thế lực tòa án tối cao để ngăn chặn ủy ban điều tra vụ việc công bố kết quả bất lợi cho những người cầm quyền.
Năm 1978, năm khánh thành đập thủy điện Machhu II dài 4 km nằm vắt ngang sông Machhu, Mayurdhwaij, cháu trai đời thứ 7 của lãnh chúa Jiyaji, chết vì tai nạn giao thông ở châu Âu khiến dòng dõi này tuyệt tự. Ngày 11-8-1979, lúc 15 giờ 30 phút, vách phía Đông đập nước Machhu II vỡ sau 10 ngày mưa lớn liên tục.
Mỗi cửa van đập tràn được thiết kế chịu được dòng chảy tối đa 5.663 m3/giây nhưng hôm đó, dòng chảy lên đến 16.307 m3/giây, tức hơn gấp 3 lần thiết kế. Trong vòng 20 phút, nước lũ sông Machhu từ 3,7 m đã dâng cao 9,1 m, nhấn chìm thành phố Morbi nằm cách đập thủy điện 5 km và các làng mạc chung quanh trong nước lũ.
Các số liệu về con số thiệt hại được chính quyền bang lúc bấy giờ tiết giảm tối đa. Chính quyền nói chỉ có 1.000 người chết nhưng các chính khách đối lập nói con số này lên đến 20.000 người.
Ém nhẹm khuyết điểm của chính quyền
Ví dụ, chi tiết sau đây được tác giả Utpal Sandesara - vốn là dân gốc Gujarat được mẹ là người may mắn sống sót trong thảm họa kể lại những câu chuyện thương tâm - phanh phui trong cuốn sách. Ba ngày sau thảm họa, một ủy ban tư pháp độc lập được thành lập để điều tra tai nạn. Trong 18 tháng thực hiện cuộc điều tra, họ đã gặp rất nhiều khó khăn vì chính quyền bang muốn vụ việc rơi vào quên lãng.
Đầu năm 1981, sau khi nghe ủy ban tư pháp độc lập phát hiện nguyên nhân do kỹ thuật xây đập thủy điện có nhiều sai sót, thống đốc bang lúc bấy giờ là ông Babubhai Patel quyết định giải tán ủy ban. Một tổ chức bảo vệ quyền lợi người dân đâm đơn kiện chính quyền và được tòa thượng thẩm bang xử thắng kiện cho phép công bố nguyên nhân của thảm họa, trong đó có việc chính quyền địa phương phớt lờ khuyến cáo của Ủy ban Năng lượng và Nước Trung ương khi chấp thuận bản thiết kế đập có nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, phán quyết này đã bị tòa án tối cao bác bỏ sau đó.
Theo nhận định của ông Sandesara, “vụ vỡ đập Machhu II là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử, vậy mà có rất ít người biết đến nó. Cuốn sách này kể lại những mẩu chuyện tại chỗ, cái cách chính quyền ém nhẹm khuyết điểm của mình”.
Bài học của Machhu II là sự nguy hiểm của việc phát triển các công trình đồ sộ nhưng không có những dự báo và phòng xa đúng đắn, theo các tác giả cuốn sách.
Kỳ tới: Bài học Sayano-Shushenskaya
Bình luận (0)