Tân Hoa Xã dẫn lời ông An Liễu Sinh, người đứng đầu Cục Đường sắt Thượng Hải, cho biết do bị sét đánh, hệ thống tín hiệu tại nhà ga Nam Ôn Châu không chuyển được đèn xanh sang đèn đỏ, khiến con tàu thứ 2 tông trúng con tàu thứ nhất đang ngừng hoạt động từ phía sau.
Tai nạn được cho là do lỗi của hệ thống tín hiệu. Ảnh: Tân Hoa Xã
39 người chết, 192 người bị thương trong vụ tai nạn. Ảnh: Getty Images
Công tác cứu hộ trong ngày 24-7, 1 ngày sau tai nạn. Ảnh: Zuma Press
Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định trách nhiệm. Ảnh: Zuma Press
Cũng theo ông An, các nhân viên của nhà ga Nam Ôn Châu, trạm dừng gần nơi xảy ra tai nạn nhất, không hề hay biết hệ thống tín hiệu có sai sót và không chú ý đầy đủ để bảo đảm an toàn. Ông An thừa nhận tai nạn thảm khốc ngày 23-7 đã làm lộ ra những vấn đề nghiêm trọng về độ an toàn trong kết cấu hạ tầng và quản lý của ngành đường sắt Trung Quốc.
Theo ông An, hệ thống tín hiệu này do Viện Nghiên cứu và thiết kế Đường sắt quốc gia Bắc Kinh thiết kế và được đưa vào sử dụng ngày 28-9-2009. Sau khi kết luận được đưa ra, viện nghiên cứu trên đã đăng tải lời xin lỗi trên trang web riêng.
Bé gái Xiang Weiyi, 2 tuổi rưỡi, được cứu ra khỏi đống nát sau 21 giờ. Ảnh: Tân Hoa Xã
Bộ Đường sắt Trung Quốc đã ra lệnh kiểm tra toàn bộ hệ thống trong vòng 2 tháng. Ảnh: Getty Images
Cũng trong ngày 28-7, gặp gỡ báo giấy tại hiện trường tai nạn, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người phải chịu trách nhiệm vụ đụng tàu làm chết 39 người và bị thương 192 người này.
“Chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ tai nạn cũng như những ai chịu trách nhiệm về mặt quản lý theo luật pháp” – thủ tướng Ôn nhất mạnh. Trước đó 1 ngày, ông đã ra lệnh điều tra vụ việc một cách công khai và minh bạch.
Biểu tình tại một nhà ga ở Ôn Châu đòi điều tra vụ tai nạn
Người nhà của các nạn nhân đau đớn trước tin dữ. Ảnh: AFP
Trong những ngày qua, cơn giận dữ của người dân Trung Quốc càng lúc càng dữ dội. Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người cáo buộc chính quyền địa phương cố xóa chứng cứ bằng cách chôn vùi các mảnh vỡ của 2 con tàu và che dấu con số thương vong thật sự.
Đồng thời, dư luận chất vấn vì sao người lái con tàu thứ hai, cũng thiệt mạng trong tai nạn, không được thông báo để dừng lại kịp lúc.
Người phát ngôn Bộ Đường sắt Trung Quốc, ông Vương Dũng Bình (bìa phải),
cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo ngày 24-7. Ảnh: AP
Đáng chú ý là thái độ của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) do nhà nước quản lý với bài bình luận gây tiếng vang.
“Chính quyền chỉ quen được tán dương trong quá khứ. Đến khi phải xử lý khủng hoảng, họ lại cho rằng có thể đối mặt với công luận theo kiểu quan liêu, hành chính. Đã đến lúc, công chúng Trung Quốc không thể chịu đựng kiểu làm việc này nữa” – tờ báo viết.
Bình luận (0)