Theo báo cáo thường niên về tài sản toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ) công bố hôm 14-10, tài sản trung bình của một người trưởng thành ở Úc là khoảng 225.000 USD vào thời điểm tháng 6 qua.
Theo sau người Úc là người dân tại Bỉ (173.000 USD/người), Ý, Pháp, Anh (cùng ở mức 110.000 USD/người). Chỉ khoảng 6% người Úc có tài sản dưới 10.000 USD, trong khi ở Mỹ là 29%, còn tính chung cả thế giới là 70%.
Báo cáo ghi nhận giá trị tài sản của người Úc đã tăng mạnh trong 14 năm qua, một phần nhờ những bất động sản họ đang nắm. Ông David McDonald, nhà chiến lược đầu tư trưởng của Credit Suisse, nhận định: “Đây rõ ràng là những số liệu đáng ghi nhận của Úc. Nước này đã có vị thế nổi bật trên thế giới về sự thịnh vượng”.
Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự giàu có của người Úc
Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Credit Suisse đánh giá Úc thuộc số những nền kinh tế có “sự bất bình đẳng ở mức trung bình”, tức 10% dân số giàu nhất chiếm từ 50%-60% tài sản ròng của nền kinh tế. Trong số các nền kinh tế phát triển, Hồng Kông, Thụy Sĩ và Mỹ bị xem là có “sự bất bình đẳng ở mức rất cao”. Đây là những nơi có 10% người giàu nhất sở hữu hơn 70% tài sản ròng của cả nền kinh tế.
Cũng theo tính toán của báo cáo trên, tổng tài sản toàn cầu hiện tăng lên mức kỷ lục 263.000 tỉ USD, hơn gấp đôi mức 117.000 tỉ USD vào năm 2000. Ngoài ra, báo cáo ghi nhận 1% dân số giàu nhất thế giới đang ngày càng giàu hơn và sở hữu khoảng 48% tổng tài sản toàn cầu. Điều này dẫn đến những cảnh báo rằng sự bất bình đẳng đang tăng có thể gây suy thoái kinh tế.
Credit Suisse cho rằng 1 người chỉ cần sở hữu số tài sản trị giá 3.650 USD là có thể lọt vào 50% người giàu nhất thế giới. Để được gia nhập vào nhóm 10% người giàu trên thế giới thì họ cần có số tài sản trị giá 77.000 USD. Tuy nhiên, nếu muốn thuộc số 1% người giàu nhất thế giới, họ phải có tài sản trị giá ít nhất 798.000 USD.
Trung Quốc còn hơn 82 triệu người nghèo
Ông Trịnh Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban Lãnh đạo Phát triển nhằm xóa đói nghèo của Quốc vụ viện Trung Quốc, hôm 15-10 cho biết nước này vẫn còn hơn 82 triệu người nghèo bất chấp việc quốc gia đông dân nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu nhờ tăng trưởng kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ qua. Tại Trung Quốc, những người được xem là nghèo khi có thu nhập chưa đến 1 USD/ngày. Tuy nhiên, nếu dựa theo tiêu chuẩn mà Ngân hàng Thế giới áp dụng (thu nhập khoảng 1,25 USD/ngày) thì Trung Quốc có đến 200 triệu người nghèo.
Ông Trịnh nhận định: “Người nghèo còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn như không có điện, nước sinh hoạt, không được tiếp cận hạ tầng giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế, vốn vay...”. Theo báo China Daily, chính phủ Trung Quốc đang đặt ra mục tiêu đưa 10 triệu dân thoát khỏi cảnh nghèo ở nông thôn trong năm nay.
Bình luận (0)