Hàng ngàn tỉ viên đá sần sùi ở dưới đáy Thái Bình Dương được phát hiện cách đây hơn một thế kỷ.
Chúng có kích thước bằng củ khoai tây, bên trong chứa một số kim loại có giá trị nhất trên trái đất như niken, coban và các khoáng chất khác được gọi là các nguyên tố đất hiếm.
Bây giờ công nghệ mới đã kích hoạt một cuộc cạnh tranh khốc liệt để có được chúng.
Tàu Maersk Launcher. Ảnh: CBS News
Nhóm phóng viên đài CBS đã xuống tàu nghiên cứu khai thác Maersk Launcher với ông Gerard Barron, giám đốc điều hành (CEO) người Canada của công ty DeepGreen Metals.
“Đây là kho báu dưới đáy biển mà chúng tôi muốn đến xem” – CEO Barron nói.
Phóng viên hỏi: “Vậy điều gì làm cho chúng có giá trị như vậy?”
Ông Barron trả lời: "Chúng chứa đầy niken, coban, đồng và mangan. Đó là tất cả nguyên tố kim loại mà chúng ta cần để chế tạo pin”.
Những hòn đá nhỏ nằm dưới lòng đại dương. Ảnh: CBS News
Để có được các viên đá sần, thủy thủ đoàn đưa một giàn khoan nặng 3 tấn cho chìm xuống 4,8 km dưới đáy biển. Vài giờ sau, nó xuống gần chạm đáy. Lúc này, khung cảnh đáy biển tạo cho mọi người cảm giác như đang xem một cuộc đổ bộ mặt trăng mới.
Ở đó, bạt ngàn những bãi đá khổng lồ giống khung cảnh ngoài hành tinh. Qua hàng triệu năm tuổi, các viên đá sần sùi hấp thụ kim loại từ nước biển để lớn dần lên.
Tiềm năng của kho báu đáng kinh ngạc này có giá trị kinh tế hơn 16.000 tỉ USD. Được biết, tổng số niken, coban và mangan của nó nhiều hơn so với phần còn lại của trái đất.
Kho báu này có diện tích khoảng 5,18 triệu km2, nằm ở khu vực Clarion-Clipperton thuộc Bắc Thái Bình Dương, giữa Hawaii và Mexico.
Nhà địa chất Warwick Miller nói mỗi viên đá sần có cùng tỉ lệ kim loại. Sau khi vớt lên và cân đo, chúng được bảo quản trong một thùng lạnh. Khi lên bờ, chúng sẽ được phân tích sâu hơn để giúp DeepGreen tìm ra nơi cần khai thác trước. Công ty hy vọng sẽ bắt đầu khai thác trong 3 năm tới.
Ông Gerard Barron: " Tảng đá này có chứa đầy đủ các nguyên tố để chế tạo pin". Ảnh: CBS News
Các quy tắc khai thác biển sâu được Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) đặt ra. Theo đó, kho báu này được chia thành nhiều lô để phân chia quyền khai thác. DeepGreen có 2 lô. Công ty tính toán số lượng niken và coban nằm trong 2 lô dưới đại dương của họ đủ để sản xuất pin cho 150 triệu ô tô điện.
Không giống như trên đất liền, họ không khoan hay đào đáy biển. Thay vào đó, những con robot biển sâu khổng lồ sẽ thực hiện công việc nặng nhọc là thu lượm những viên đá hiếm ở đáy biển.
Ông Kris Van Nijen, giám đốc điều hành của Công ty Tài nguyên khoáng sản biển toàn cầu (GSR), nói những con robot này có giá 12 triệu USD. Chúng hút các viên đá sần vào hệ thống và có khả năng lưu trữ 3 tấn đá.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại lo ngại rằng khai thác biển sâu sẽ phá hủy đáy biển, một thế giới chưa được tìm hiểu đầy đủ.
Ông Kris Van Nijen nói những con robot có khả năng nuốt đá sần vào hệ thống và lưu trữ 3 tấn đá. Ảnh: CBS News
Cho đến nay, 19 quốc gia khác nhau có giấy phép khai thác trong khu vực Clipton. Trong đó, Trung Quốc có nhiều lô nhất. Nga và Nhật Bản cũng đã nhảy vào. Pháp, Đức, Hàn Quốc, thậm chí cả Cuba và Tonga cũng có cổ phần. Tại sao Mỹ lại vắng bóng?
Đó không phải là vì họ không muốn. Vào năm 1994, Tổng thống Bill Clinton đã ký Công ước về Luật Biển bao gồm khai thác biển sâu nhưng ý tưởng đã “chết” khi đến thượng viện.
Cựu đô đốc Jonathan White - nhà điều hành một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ các đại dương - nói việc đứng ngoài công ước có nghĩa là Mỹ không biết gì về cơn sốt vàng mới này đang được vận hành như thế nào.
Trong khi Mỹ buộc phải đứng bên lề, Trung Quốc đã đổ hàng trăm triệu USD vào tham vọng biển sâu của mình. Tháng trước, Trung Quốc tiết lộ vũ khí mới của họ bao gồm một thiết bị không người lái sẽ rà soát dưới đại dương.
Cụu đô đốc Jonathan White nói : "Điều này liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ trong tương lai. Chúng ta cần phải tham gia hoạt động này. Nếu không, về lâu dài Mỹ sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc".
Bình luận (0)