Các quan chức quốc phòng Mỹ cho tờ The Washington Post biết 59 quả tên lửa được phóng lúc 4 giờ 40 phút (giờ địa phương) từ hai khu trục hạm USS Ross và USS Porter đóng tại biển Địa Trung Hải của hải quân Mỹ. Loạt tên lửa nhắm mục tiêu căn cứ không quân Al-Shayrat ở tỉnh Homs, nơi quân đội Syria bị cáo buộc “thả chất độc thần kinh sarin” làm hại dân thường hôm 4-4.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Mỹ sử dụng tên lửa Tomahawk mà không phải một loại tên lửa khác. Câu trả lời đến từ Lầu Năm Góc: Họ muốn tấn công từ một khoảng cách an toàn.
Tomahawk đóng vai trò quan trọng đối với hải quân Mỹ kể từ cuộc chiến Vịnh Ba Tư năm 1991. Loại tên lửa hành trình này có khả năng mang đầu đạn nặng tới 453 kg. Nó được Lầu Năm Góc sử dụng lần cuối vào tháng 10 năm ngoái. Quân đội Mỹ lúc đó phóng Tomahawk từ biển Đỏ vào 3 khu vực đặt radar ven biển ở Yemen. Cách đó vài ngày, phiến quân Houthi bắn tên lửa vào tàu chiến Mỹ nên Washington quyết định trả đũa.
Hồi tháng 9-2014, Mỹ cũng triển khai Tomahawk trong khuôn khổ chiến dịch chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria. Tổng cộng 47 quả Tomahawk được phóng từ hai tàu USS Philippine Sea ở Vịnh Ba Tư và USS Arleigh Burke ở biển Đỏ, vào các địa điểm do nhóm Khorasan liên kết Al-Qaeda kiểm soát.
Một trong những ưu điểm của Tomahawk là nó không cần dẫn đường, có thể phóng từ khu trục hạm với tầm bắn lên đến 1.600 km. Khả năng phóng từ khu trục hạm có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó với hệ thống phòng không của đối phương.
Quân đội Syria hiện sử dụng tên lửa đất đối không S-200 để đánh chặn. Moscow sau đó hỗ trợ Damascus bằng các thế hệ tên lửa S-300 và S-400 tiên tiến. Chúng được trang bị radar tốt hơn cũng như bay nhanh hơn các tên lửa đất đối không thế hệ cũ.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Chris Harmer làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), cho biết quân đội Mỹ có thể dùng máy bay EA-18G Growler và một số phương tiện khác để gây nhiễu radar của Nga. Tuy nhiên, hệ thống S-400 của Moscow đủ sức để kháng nhiễu, làm cho ưu thế của tên lửa Mỹ giảm đi phần nào.
Dù không hiệu quả bằng các loại bom trang bị trên máy bay không người lái (UAV) nhưng Tomahawk dư sức phá hủy các máy bay Syria đậu trên mặt đất. Ông Harmer cho rằng Mỹ không cần thiết phải sử dụng vũ khí tiên tiến để thực hiện nhiệm vụ đó mà chỉ cần Tomahawk là đủ.
Còn có một phiên bản khác của Tomahawk tích hợp bom chùm. Khi phát nổ, bom sẽ phân mảnh gây thương vong và phá hủy mục tiêu như máy bay, phương tiện cơ giới ở sân bay nhưng không ảnh hưởng nhiều tới đường băng.
Bình luận (0)