Tiết lộ nói trên có thể gọi là bất ngờ mới nhất về đất nước bí ẩn nhất thế giới vốn đã có truyền thống gây sửng sốt từ lâu đối với thế giới bên ngoài.
Đã hạn chế sử dụng internet, máy tính tại Triều Tiên lại ngày càng được mã hóa nghiêm ngặt. Ảnh: KCNA
Theo đó, gần đây, Triều Tiên đã qua mặt những ước tính của Mỹ về những tiến bộ về tên lửa hạt nhân.
Hồi tháng 12-2011, Washington đã không hề hay biết suốt 50 giờ về thông tin ông Kim Jong-il qua đời, họ chỉ biết thông tin này sau khi nó được thông báo trên truyền hình Triều Tiên.
Năm 2010, Triều Tiên từng cho một chuyên gia Mỹ thị sát một nhà máy làm giàu uranium mới mà cả thế giới chưa bao giờ biết tới.
Tại sao các cơ quan tình báo và quân sự Mỹ lại không thể làm gì hơn đối với các bí mật từ Triều Tiên.
Theo lời của các cựu quan chức, cũng như những người đang đương nhiệm trong lĩnh vực này, Bình Nhưỡng đúng là ác mộng đối với tình báo: một quốc gia kiểm soát chặt chẽ, lại còn rất hạn chế sử dụng internet, bao quanh là những dãy núi lớn, tạo cho nước này những đường hầm bí mật.
"Đó là một trong những nước khó khăn nhất, nếu không muốn nói là "khó nhằn" nhất trong việc thu thập (thông tin tình báo)"- ông Daniel Coats, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nói với Quốc hội hồi tháng 5.
Tên lửa Triều Tiên được phô diễn trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Reuters
Giới chức Mỹ nói với NBC News rằng tình trạng này còn ngày càng khó khăn hơn. Theo đó, những tháng gần đây Triều Tiên còn có những cách ngụy trang các hoạt động liên quan tới tên lửa của mình, trong đó có việc tiếp nhiên liệu rocket bên trong các cấu trúc, bên ngoài tầm quan sát của các thiết bị trên không.
Thông thường Mỹ thu thập các thông tin tình báo nước ngoài qua ba con đường cơ bản, bao gồm: thu thập thông tin từ các gián điệp (con người), chặn các liên lạc điện tử, và quan sát những diễn biến trong lòng đất, chủ yếu bằng vệ tinh.
Thế nhưng, tất cả các cách trên đều gặp vấn đề lớn khi đối mặt với Triều Tiên.
Về vấn đề con người, rõ ràng chẳng ở đâu khó trà trộn hơn ở Triều Tiên, nơi chỉ cần mở lời chỉ trích lãnh đạo thì cả gia đình đã có thể phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc. Thậm chí, cựu chuyên gia phân tích của CIA Bruce Klingner từng ví von rằng so với Triều Tiên thì cả Nga và Trung Quốc còn là "một cuốn sách mở".
So với Triều Tiên thì cả Nga và Trung Quốc còn là "một cuốn sách mở". Ảnh: Reuters
Hiện không có đại sứ quán Mỹ nào ở Triều Tiên và cũng không có cộng đồng doanh nghiệp nào của Mỹ ở quốc gia bị cô lập nhất thế giới này. Thế nên CIA không thể cử người tới để thu thập thông tin được. Theo lời ông Klingner, thậm chí cả người hàng xóm Hàn Quốc cũng gặp không ít rắc rối khi tiến hành do thám Triều Tiên. Ngay cả đến tiếng nói cũng nhiều khi khó hiểu, và nếu tìm cách tiếp cận các thông tin mật của Triều Tiên thì dễ bị hoang mang.
Về vấn đề hạn chế interner, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) – vốn từng tai tiếng với vụ xâm nhập máy tính và theo dõi thư điện tử khắp thế giới, cũng từng lấy được chút ít dữ liệu từ Triều Tiên, theo lời cựu quan chức tổ chức này, thế nhưng kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao.
Đó là bởi vì phần lớn quốc gia này không kết nối với internet và rất ít người dùng điện thoại di động. Theo các chuyên gia, thêm vào đó, những thiết bị điện tử kết nối của nước này còn ngày càng được mã hóa!
Về vấn đề hình ảnh vệ tinh, ông Coats từng nói trước Quốc hội: "Nếu nhìn vào các hình ảnh vệ tinh (của châu Á) và ánh đèn đêm từ vệ tinh, sẽ có một vùng tối với ít ánh sáng, và đó là Triều Tiên…Nếu sử dụng con đường này để thu thập thông tin từ Triều Tiên, kết quả thực sự quá hạn chế".
Giới chức Mỹ biết rằng các hoạt động hạt nhân và quân sự của Triều Tiên có thể nắm bắt qua vệ tinh. Thế nhưng giới chức Triều Tiên cũng biết điều đó, và đó là lý do tại sao họ xây dựng những cấu trúc rãnh tinh vi nhất thế giới tại các hầm ngầm để che giấu hoạt động của mình. Bên cạnh đó, những cấu trúc đồi núi tự nhiên cũng thêm phần gây khó dễ với thiết bị vệ tinh.
"Họ có thể cất giấu các bệ phóng và tên lửa trong hầm và di chuyển chúng vào ban đêm, rồi phủ kín chúng bằng lều bạt"- ông David Albright, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân, đồng thời là người sáng lập của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington cho hay.
Bình luận (0)