Ít ai nghĩ tới chuyện chính trị gia 58 tuổi này tái tranh cử. Việc ông trúng cử năm 2005 từng là điều bất ngờ khó tin khi 6 ứng cử viên cùng tranh cử đều là giáo sĩ hoặc nhà lãnh đạo chính trị “dày túi”.
Và 8 năm cầm quyền của ông Ahmadinejad được đóng dấu bằng sự đối đầu quyết liệt với phương Tây cũng như không ngừng khiêu khích Israel và tuyệt nhiên không thỏa hiệp về chương trình hạt nhân. Nhiều đồng minh đã quay lưng với ông trong khi 2 cựu phó tổng thống dưới trướng đều phải “bóc lịch” vì tham nhũng.
Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa)
vừa mở chiến dịch chính trị trước cuộc bầu cử quốc hội tháng 2-2016 Ảnh: AP
Tuy nhiên, vị cựu tổng thống nổi tiếng giản dị này vẫn còn sự ủng hộ hùng hậu ở khu vực nông thôn bởi chính quyền của ông từng phát trợ cấp hằng tháng sau khi cắt giảm trợ giá thực phẩm và năng lượng. Ngược lại, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu lại đổ lỗi cho ông về các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có thể tận dụng sự quay lại của ông Ahmadinejad để đối trọng với phe cải cách. Sau 2 năm im hơi lặng tiếng, trước đám đông ủng hộ ở Tehran hồi đầu tháng 8, ông Ahmadinejad lớn tiếng cam kết sẽ “xác lập các lý tưởng” đã được lãnh đạo cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 Khamenei vạch ra. Cựu tổng thống nhấn mạnh: “Chúng ta không nên quên một điều: Mỹ là kẻ thù!”.
Cựu tổng thống không đả động tới thỏa thuận mới đạt được với nhóm P5+1 hồi tháng trước. Ông sẽ khó lòng chỉ trích nếu lãnh đạo Khamenei ra mặt “bênh” thỏa thuận này song nếu sự ủng hộ dành cho cựu tổng thống tỏ ra áp đảo, việc nối lại quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran Sadeq Kharrazi, sự nghiệp của ông Ahmadinejad đã qua nhưng cái gọi là chủ nghĩa Ahmadinejad - tức chủ nghĩa dân túy đặc thù kết hợp chính sách đối ngoại diều hâu - vẫn là mối đe dọa cho nước nhà.
Bình luận (0)