Câu hỏi đặt ra với các nhà giao dịch: phải chăng những diễn biến điên rồi 2 ngày qua là khởi điểm cho một cơn lao dốc sâu hơn hay chỉ dọn đường cho sự khôi phục của thị trường "bò tót" (bull market) đang lão hóa, sắp bước vào tuổi thứ 9 vào ngày 9-3.
Dow Jones tăng 567,02 điểm, tương đương tăng 2,33%, chốt ở 24.912,777 điểm ngày 6-2. Ảnh: Reuters
"Động thái của thị trường hôm nay là một diễn biến kinh điển của một thị trường đang tìm đáy" - Chuyên gia kinh tế thị trường Peter Cardillo tại hãng First Standard Financial tại New York nhận định. Theo quan điểm của vị chuyên gia này, thị trường sẽ tăng trở lại mức kỷ lục.
Những người tin tưởng vào thị trường bò tót lập luận rằng thu nhập của doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh, trong đó có cú hích từ chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cuối cùng sẽ tiếp sức cho thị trường.
Trong khi đó, những người cho rằng thị trường sẽ chuyển sang xu hướng con gấu (bear market) khẳng định đã bị kéo quá căng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng giữa lúc ngân hàng trung ương rút các chính sách tiền tệ dễ thở những năm gần đây.
"Các thị trường rơi vào tình trạng mua quá nhiều một cách có chủ đích tới bán quá nhiều trong 4 ngày giao dịch" - ông Adam Sarhan, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn đầu tư 50 Park Investments nói. "Những người mua mới sẽ xuất hiện, chính là những người đang đợi giá giảm".
Phiên giao dịch "hoang dã" hôm 6-2 chứng kiến chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.100 điểm sau khi mất hơn 1.175 điểm một ngày trước đó. Trong khi đó, chỉ số trụ cột S&P 500 hôm 6-2 thậm chí có ngày tuyệt vời nhất kể từ trước cuộc bầu cử tháng 11-2016 của ông Donald Trump.
"Tôi không nghĩ sự biến động đã qua" - Chiến lược gia thị trường JJ Kinahan của hãng TD Ameritrade ở Chicago nhận định. "Xu hướng những diễn biến như vậy sẽ xảy ra khoảng 3 tuần rồi lan khắp hệ thống… và biến động không thể đột nhiên đi qua".
Ảnh: Reuters
Các nhà đầu tư đang để mắt tới những sự tụt dốc gần đây như một cơ hội, một ví dụ cực đoan của việc "mua đà giảm" được cho là bước đầu cho sự leo lên ổn định tới mức cao kỷ lục.
"Chúng tôi đang coi đây là cơ hội để trải nghiệm thêm một chút rủi ro, nhưng không vượt qua "ván trượt" của chúng tôi" - ông Erin Browne, người đứng đầu về lĩnh vực phân bổ tài sản tại hãng UBS Asset Management ở New York, lạc quan.
Theo Reuters, sự sụt giảm sâu trong những ngày gần đây đánh dấu bước lùi mà nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi từ lâu sau khi thi trường đạt những mốc cao kỷ lục.
Lúc mở cửa hôm 6-2, thị trường sụt 2%, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng có thêm một phiên "đỏ lửa" nữa. Mức độ biến động bị đẩy lên rất cao, khi khoảng cách giữa đỉnh và đáy của chỉ số công nghiệp Dow Jones trong phiên này là hơn 1.100 điểm. Nhưng kết thúc phiên chỉ số chính đã có phiên tăng mạnh nhất trong 15 tháng qua.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 567,02 điểm, tương đương tăng 2,33%, chốt ở 24.912,777 điểm. S&P 500 tăng 46,2 điểm, tương đương tăng 1,74%, đạt 2.659,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 148,36 điểm, tương đương tăng 2,13%, đạt 7.115,88 điểm.
Cổ phiếu công nghệ, vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng là những nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ phiên này. Cổ phiếu quốc phòng, điện nước và bất động sản là những nhóm cổ phiếu hiếm hoi trong S&P 500 chứng kiến sự giảm giá.
Bình luận (0)