Với chủ trương mở cửa của Nhật Bản, 8 năm đó đối với du học sinh ngành chính sách như chúng tôi thật sự là một quãng thời gian đáng quý.
Chúng tôi được tham gia nhiều phiên thảo luận rất thú vị cùng các chính trị gia, công chức nhà nước, lực lượng phòng vệ, giới khoa học, doanh nghiệp Nhật Bản…
Chúng tôi được lắng nghe những tranh luận chính sách về tái thiết kinh tế sau thảm họa năm 2011 (sóng thần - động đất - hạt nhân), về những thách thức của một xã hội siêu già hóa, về việc thay đổi Hiến pháp Hòa Bình trong bối cảnh thế giới đa cực hóa.
Rất nhiều vấn đề khác ở Nhật được mang ra phân tích, vì với tư cách là một trong những "xã hội hậu tăng trưởng" đầu tiên trên thế giới, nhiều thách thức của Nhật Bản đều có thể trở thành bài học chính sách cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Một hội chợ việc làm dành riêng cho người Việt Nam tại Nhật được tổ chức gần đây
Những buổi thảo luận mở đầu tiên của lớp chúng tôi là về chính sách "30 vạn du học sinh" của Nhật Bản, tiếp đó là các chính sách về nới lỏng tiền tệ, tăng đầu tư công, thu hút lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động người nước ngoài để góp phần hồi sinh nền kinh tế già nua của Nhật Bản.
Tôi đã được chứng kiến làn sóng du học sinh Việt Nam bùng nổ trong những năm sau đó, trở thành một hiện tượng chưa từng có tại Nhật Bản. Trường tiếng Nhật dành cho người Việt được mở khắp nơi, các doanh nghiệp liên tục được các cơ quan chính phủ hỗ trợ nhiều mặt để tuyển dụng sinh viên nước ngoài. Cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Tám năm dưới thời ông Abe cũng chính là 8 năm mà Việt Nam và Nhật Bản trở thành Đối tác chiến lược sâu rộng của nhau. Khi Nhật Bản trở thành nước đăng cai Olympic 2020, Thủ tướng Abe mặc trang phục Mario và chui lên khỏi nắp cống ở sân vận động Brazil, nhiều người Nhật đã xúc động nói với tôi về sự hồi sinh của Nhật Bản.
Nhật Bản khi ấy trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều bạn trẻ Việt Nam, một phần vì các cơ hội việc làm đang mở ra khi chính phủ đầu tư cho Olympic. Những người đồng nghiệp của tôi nói rằng họ thấy rất biết ơn khi Tokyo - kinh đô ẩm thực của thế giới - đang được vận hành bởi rất nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Tác giả trong chuyến học tập tại Trung tâm nghiên cứu phòng vệ của Nhật Bản
Thế nhưng, những ngày cuối cùng khi ông Abe còn là Thủ tướng, cả thế giới quay cuồng trong đại dịch Covid-19. Ngân sách cho Olympic bị cắt giảm, các hàng quán, khách sạn mới được xây dựng buộc phải đóng cửa nhiều tháng liền.
Olympic bị hoãn lại 1 năm còn Thủ tướng Abe từ chức vì bệnh nặng ngay trong những làn sóng Covid-19 đầu tiên. Dù vậy, tôi chắc rằng nhiều người Việt Nam đang sống ở Nhật vẫn còn giữ làm kỷ niệm chiếc "khẩu trang Abe" do chính quyền cấp phát trong những ngày đầu đại dịch.
Nhật Bản chưa thể "hồi sinh" như kỳ vọng trong 8 năm ông Abe cầm quyền. Nhưng đối với một người Việt Nam sống ở Nhật Bản như tôi, 8 năm đó chúng tôi được tự hào nhìn thấy hai nước trở thành bạn bè thân thiết.
Và ngay cả ngày hôm nay, khi nghe tin buồn về cựu Thủ tướng Abe, chúng tôi vẫn tin rằng sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, một trong những di sản của chính quyền Abe, sẽ được phát triển sâu rộng hơn nữa.
Chiếc "khẩu trang Abe" mà chính phủ Nhật cấp phát hồi đầu đại dịch Covid-19 được tác giả giữ làm kỷ niệm
Bình luận (0)