Phần lớn truyền thông Bắc Mỹ chủ yếu khai thác những tình tiết khơi gợi sự hiếu kỳ xung quanh vụ rò rỉ thông tin cá nhân sử dụng trang web ngoại tình Ashley Madison. Ví dụ, có mấy người của công chúng lộ mặt ngoại tình, tâm trạng các bà vợ ra sao khi phát hiện bị chồng bội bạc…
Không phải vì tiền?
Trong khi đó, rất ít người - kể cả chuyên gia an ninh mạng - biết tới những người đứng sau vụ tấn công mạng Ashley Madison. Họ đã làm một việc cực kỳ hiếm trong lịch sử internet: Tung hê thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng Ashley Madison mà không cần biết tác động của nó ghê gớm như thế nào.
Đã có ít nhất 4 vụ tự tử liên quan đến hành vi quái gở này, 2 vụ ở Canada, quê hương của Công ty ALM và 2 vụ ở Mỹ. Nạn nhân mới nhất là một mục sư có vợ và 2 con, 56 tuổi, ở Pearlington, Mississippi, kiêm giảng viên đại học khoa thần học ở New Orleans. Ông tự kết liễu đời mình 6 ngày sau khi tin tặc công khai trên mạng thông tin cá nhân hết sức nhạy cảm của ông và hơn 30 triệu khách hàng của Ashley Madison.
Mặc dù ALM đã mướn cả đội quân chuyên viên pháp y độc lập và chuyên gia về an ninh mạng hợp tác chặt chẽ với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Cảnh sát Toronto (Canada) nhưng ngay sau khi phát hiện toàn bộ dữ liệu của công ty bị đánh cắp, họ cũng không thể ngăn chặn tin tặc thực hiện đe dọa công khai thông tin cá nhân 36 triệu khách hàng của Ashley Madison 1 tháng sau đó.
Cho đến nay, nhân thân và mục đích của nhóm tin tặc The Impact Team cũng không được rõ ràng. Đây là lần đầu tiên xuất hiện cái tên này và hình như mục đích duy nhất của họ là hủy hoại Ashley Madison.
Phải chăng The Impact Team hành động nhân danh đạo đức làm người? Có phải tại đạo đức của khách hàng sử dụng dịch vụ của Ashley Madison cũng không tốt đẹp gì cho nên công khai để họ phải trả giá cho tội ngoại tình? Ngay từ đầu, The Impact Team giải thích: “Thật đáng tiếc nhưng những kẻ ngoại tình rác rưởi này không đáng để chúng tôi giữ kín”.
Theo nhà báo Glenn Greenwald, người đã ủng hộ việc cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nếu đúng như vậy thì rất lạ và đáng lên án bởi nó cổ xúy cho những giá trị cực đoan vốn xa lạ trong một cộng đồng (phương Tây) mà tự do và đời sống riêng tư được tôn vinh. Theo nhà báo này, “hành động xâm phạm đời sống riêng tư cũng tởm lợm như hành động nghe lén của NSA”.
The Impact Team hình như cũng không có động cơ vì tiền. Họ có thể buộc ALM trả tiền chuộc và chuyện Ashley Madison bị tấn công sẽ mãi mãi được giấu kín. Họ cũng có thể bán dữ liệu ăn cắp được trên thị trường chợ đen để kiếm một mớ tiền không nhỏ. Nhưng không! Đây chính là điểm khác biệt lớn so với các nhóm tin tặc khác bởi hầu hết tội phạm mạng, nếu không vì động cơ chính trị thì thường hành động vì tiền. Hoặc đơn giản họ làm như vậy để nổi tiếng?
Ngược lại, The Impact Team hoàn toàn im lặng. Động cơ của vụ tin tặc này là một bí ẩn.
Mịt mờ thủ phạm
Dù có động cơ gì, tấn công mạng là một tội ác. Thủ phạm cần phải bị trừng trị song có bắt được không tùy thuộc nhiều yếu tố. Thông thường, vì hiếu danh, tin tặc cho biết họ là ai, hành động vì mục đích gì. Làm chuyện này, đôi khi tin tặc mắc sai lầm và bị phát hiện.
Gần 2 tháng nay, các cơ quan thực thi pháp luật dày dạn kinh nghiệm của Canada và Mỹ, đặc biệt là FBI, nói họ vẫn đang tiếp tục điều tra nhưng manh mối không nhiều. ALM cũng đã treo giải thưởng 500.000 đô-la Canada (8,45 tỉ đồng) cho ai cung cấp thông tin chính xác về tin tặc.
Thế nhưng, chưa có dấu hiệu khả quan nào vì The Impact Team im như thóc. Đây cũng là điều khá lạ lùng của vụ án. Theo đài BBC, cựu giám đốc ALM Noel Biderman nói ông biết ít nhất một người trong nhóm tin tặc. Người này không phải là nhân viên công ty nhưng từng tiếp xúc với phòng kỹ thuật của công ty.
Lý giải chuyện chưa tìm ra thủ phạm, nhà nghiên cứu Erik Cabetas của Công ty An ninh Include Security cho biết: “Nhóm tin tặc đã dùng các biện pháp an ninh đặc biệt để không bị lộ” . Ví dụ như dùng dịch vụ MailTor để tung hê các dữ liệu mật của Ashley Madison.
Với cách làm này rất khó biết họ là ai, ở đâu. Tuy nhiên, theo ông Cabetas, nếu biện pháp này không được sử dụng đúng cách, vẫn có thể lần ra thủ phạm. Trường hợp của tin tặc nổi tiếng Ross Ulbricht của nhóm Silk Road bị bắt cũng vì một sơ suất rất nhỏ, là một ví dụ.
Chuyên gia an ninh Stephen Coty thuộc Công ty Alert Logic đưa ra lý giải khác: FBI chưa tích cực bắt nhóm The Impact Team vì đang đấu tranh với nhiều nhóm tin tặc khác quan trọng hơn. Chuyện rò rỉ thông tin của những kẻ ngoại tình, trong đó tỉ lệ phụ nữ chiếm rất nhỏ (từ 5% đến 10%), về mặt nào đó chắc chắn không cấp bách bằng những vụ khác, nhất là những vụ mang tính chính trị hay bí mật quốc gia.
“Mẫu khách hàng” của Ashley Madison
Cách đây không lâu, trang web Ashley Madison đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm phác thảo chân dung mẫu khách hàng của mình. Theo khảo sát này, người chồng tiêu biểu “thích phở hơn cơm” có tuổi trung bình là 40, lập gia đình trên 10 năm, có 2 con trên 10 tuổi.
Trong số 11.453 người được khảo sát, có 10,6% là dân công nghệ thông tin, 8,2% làm trong ngành tài chính, 6,5% thuộc ngành giáo dục, 4,6% là bác sĩ và 3,8% là luật sư.
Khảo sát 2.865 nữ khách hàng đăng ký sử dụng mạng Ashley Madison, chân dung mẫu phụ nữ thích ngoại tình có độ tuổi trung bình là 30, lấy chồng ít nhất được 5 năm, có một đứa con gái dưới 3 tuổi. Nếu không phải là nội trợ thì họ làm trong ngành giáo dục và y tế.
Bình luận (0)