Dù còn trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và chưa được quốc gia nào thông qua, thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 của hãng dược Mỹ Merck được khen ngợi là một đột phá tiềm năng.
Với lợi thế tương đối rẻ, dễ bào chế, không cần tiêm truyền, Molnupiravir được kỳ vọng giúp hạn chế ảnh hưởng của các đợt dịch bùng phát trong tương lai cũng như giảm bớt các quy trình điều trị tốn kém trong bệnh viện.
"Việc uống 1 viên thuốc ngay khi nghi ngờ mắc bệnh là một bước tiến khổng lồ trên toàn cầu" - TS Jeremy Farrar, Giám đốc của quỹ thiện nguyện chuyên nghiên cứu y tế Wellcome (Anh), nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, có một lời khuyên mà giới chuyên gia dành cho Molnupiravir: Nên kết hợp với các loại thuốc điều trị khác để giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 kháng thuốc. Mối lo ngại thường trực về việc các loại virus và vi khuẩn biến đổi để giảm bớt hiệu quả hoặc thậm chí kháng lại các loại thuốc điều trị đã xuất hiện trong việc điều trị Covid-19.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Batajnica Covid-19 ở Belgrade - Serbia hôm 4-10. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, TS Nick Kartsonis, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Merck Research Labs, đánh giá nguy cơ SARS-CoV-2 kháng thuốc Molnupiravir không quá cao.
Một phần nguyên nhân đến từ quy trình điều trị Covid-19 không dài, khiến virus không có nhiều cơ hội biến đổi thành loại kháng thuốc. Nguyên nhân khác là nhờ cơ chế hoạt động của Molnupiravir - "chèn lỗi" vào bộ gien của virus và các lỗi này cứ nhân rộng ra cho tới khi virus bị vô hiệu hóa.
Trong công bố thử nghiệm gần đây, Merck cho hay Molnupiravir giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với các bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến trung bình. Dù Merck chưa nghĩ tới chuyện kết hợp Molnupiravir với các loại thuốc song theo TS Kartsonis, nhiều loại thuốc hiệu quả hơn khi phối hợp sử dụng.
Đơn cử, những loại thuốc điều trị HIV đời đầu đều bị virus nhanh chóng kháng lại khi dùng riêng lẻ. Việc kết hợp thuốc đồng nghĩa với tấn công tác nhân gây bệnh từ nhiều hướng, qua đó cản trở khả năng biến đổi của chúng.
Ngoài "vũ khí mới" của Merck, nhiều công ty khác cũng đang phát triển thuốc viên điều trị Covid-19 với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Hãng Pfizer đã bắt đầu các giai đoạn thử nghiệm cuối từ mùa hè vừa qua và hy vọng thu được dữ liệu trước cuối năm nay.
Tại Israel, Công ty Redhill Biopharma đầu tháng này công bố dữ liệu cho thấy thuốc Opaganib mà họ đang thử nghiệm làm giảm nguy cơ tử vong trong nhóm bệnh nhân Covid-19 tương đối nặng.
Bản thân quỹ Wellcome, theo Bloomberg, cũng đầu tư 14,8 triệu USD cho dự án Covid Moonshot, với mục tiêu bào chế loại thuốc "khóa chặt" một loại protein quan trọng mà SARS-CoV-2 dùng để nhân bản.
Merck định nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp tại Mỹ cho Molnupiravir, vốn được phát triển ban đầu bởi các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Emory (Mỹ) và nhiều trung tâm học thuật khác, vào tháng 11 tới.
Ban đầu, thuốc có thể chỉ dùng cho người có nguy cơ cao, như người cao tuổi hoặc có nhiều bệnh nền, với liều lượng 8 viên/ngày kéo dài 5 ngày. Giới chức Liên minh châu Âu cũng có thể sớm xem xét loại thuốc này.
Từ tháng 6-2021, Mỹ đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD để mua đủ thuốc Molnupiravir cho 1,7 triệu lượt điều trị. Theo báo The New York Times, rút kinh nghiệm từ vụ chậm chân với vắc-xin Covid-19, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang tăng tốc đàm phán với Merck ngay sau Mỹ.
Trong tuần này, Úc, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc lần lượt thông báo đã đạt thỏa thuận với Merck, còn Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đang thương lượng. Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 5-10 cho biết Úc sẽ mua 300.000 liều để "củng cố kế hoạch tái mở cửa đất nước một cách an toàn", còn Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin hôm 7-10 nhấn mạnh 150.000 liều Molnupiravir sẽ tiếp thêm "thành công của chương trình tiêm chủng".
TS Farrar cho rằng thuốc viên trị Covid-19 càng được sử dụng rộng rãi càng có lợi, nhất là tại các nước đang phát triển không có đủ bệnh viện lẫn vắc-xin.
Dù vậy, TS Anthony Fauci, cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 6-10 nhấn mạnh ngăn chặn bệnh dịch lây lan bằng vắc-xin vẫn tốt hơn là dựa vào thuốc điều trị. "Tiêm chủng đến lúc này vẫn là công cụ chống Covid-19 tốt nhất" - cố vấn Nhà Trắng Jeff Zients đồng tình.
Bình luận (0)