xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng cường đối trọng với Trung Quốc

Huệ Bình - Hoàng Phương

Bằng nỗ lực thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản đang tiến gần hơn tới chính sách “Kim cương an ninh châu Á” của Thủ tướng Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 11-12  bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh song phương giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng bành trướng ở khu vực.

Mở rộng mạng lưới đồng minh

Đáng chú ý, theo Reuters, 2 nước có thể hoàn tất đàm phán thỏa thuận về chia sẻ thông tin quân sự trong chuyến công du trên, qua đó mở đường cho triển vọng Nhật Bản bán vũ khí và cộng tác về công nghệ quân sự với Ấn Độ. Nhiều khả năng thỏa thuận đầu tiên của Tokyo kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quốc phòng hồi năm 2014 là bán máy bay giám sát hàng hải US-2 cho New Delhi.

Trong bài viết đăng trên báo Times of India trước thềm chuyến đi, ông Abe cam kết tăng cường quan hệ hàng hải với Ấn Độ, bên cạnh Mỹ, để duy trì “một vùng biển mở, tự do và hòa bình”.

Ngoài an ninh và quốc phòng, những lĩnh vực Nhật muốn đẩy mạnh hợp tác là kinh tế và năng lượng hạt nhân. Dự kiến 2 bên sẽ đàm phán hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn bao gồm đề xuất 15 tỉ USD của Tokyo về việc xây hệ thống tàu điện cao tốc Shinkansen kết nối 2 thành phố Mumbai và Ahmedabad. Theo kế hoạch, Nhật sẽ cho Ấn Độ vay 8 tỉ USD với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án này. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn về thỏa thuận hạt nhân dân sự, tạo điều kiện cho Tokyo xuất bán công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho New Delhi.

Thắt chặt hơn quan hệ với Ấn Độ sẽ cho phép Nhật Bản mở rộng mạng lưới đồng minh, tạo thế cân bằng với Trung Quốc trong khu vực và tiến gần hơn chính sách “Kim cương an ninh châu Á” của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo báo Mainichi, chính sách đó nhấn mạnh an ninh và an toàn ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là không thể tách rời.

Trong khi đó, Ấn Độ đang tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những tháng gần đây, như lên kế hoạch đầu tư vào khu vực phía Đông Bắc đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. “Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật có lẽ đang tốt hơn bao giờ hết, phần lớn vì thủ tướng 2 nước có cùng quan điểm về tình hình khu vực và thế giới” - ông Harsh Pant, giáo sư tại Trường King’s College London (Anh quốc), nhận định.

 


Mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải)

và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đang giúp 2 nước xích gần nhau hơn Ảnh: Reuters

Mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải)

và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đang giúp 2 nước xích gần nhau hơn Ảnh: Reuters

 

Cam kết của Mỹ

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục có những bước đi nhằm đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó sự ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông. Trong bài xã luận đăng hôm 10-12, tờ Washington Times nhận định việc Mỹ và Singapore ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng trong tuần này là bước đi quan trọng đối với hoạt động của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á, nơi “đang bị đe dọa ngày càng nhiều” bởi Trung Quốc.

Ngoài ra, thỏa thuận còn là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại mạnh mẽ mà Singapore theo đuổi, trong đó có thúc đẩy chính quyền ông Obama bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải.

Một nội dung quan trọng của thỏa thuận mới là cho phép máy bay do thám Mỹ vận hành từ một căn cứ ở Singapore. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 9-12 nhận định việc Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon đến đây và trước đó là tàu chiến đấu ven biển, càng củng cố niềm tin về cam kết tiếp tục gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương của Washington.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Larry Johnson, một cựu sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cho rằng động thái trên của Mỹ là một nỗ lực có tính toán nhằm cảnh báo Trung Quốc không phải muốn làm gì là làm tại những nơi mà Washington và các đồng minh xem là vùng biển quốc tế.

Trong khi đó, ông Abraham Denmark, Phó trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, vừa tuyên bố sẽ là “sai lầm nghiêm trọng” nếu đánh giá thấp cam kết của Mỹ ở châu Á.

Trong bài diễn văn đọc tại tổ chức The Heritage Foundation ở Washington hôm 8-12, ông Denmark cho biết chính quyền Tổng thống Barack Obama đã củng cố các mối quan hệ đồng minh và đối tác, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư tại khu vực trong những năm qua.

Những sáng kiến gần đây, từ hiệp định đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN cho đến Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á, là bằng chứng cụ thể. Quan chức này cũng nói thêm Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược thúc ép Trung Quốc tuân thủ những nguyên tắc trật tự quốc tế vì an ninh và sự thịnh vượng của tất cả các nước.

 

Sự mập mờ nguy hiểm

Trong bài viết đăng trên báo The New York Times (Mỹ) hôm 10-12, giáo sư Liselotte Odgaard đến từ Trường ĐH Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch nêu bật 2 khía cạnh chứng tỏ Trung Quốc là nhân tố chính gây căng thẳng ở biển Đông: Một là cố tình mập mờ về yêu sách chủ quyền bằng cái gọi là “đường lưỡi bò”, hai là tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.

Tấm bản đồ “đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra đã và đang gây phản đối nhiều thập kỷ qua. Khi bị lên án vì các hành động ngang ngược, giới chức Trung Quốc cũng sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để phản đối.

Trong vụ tàu USS Lassen của Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn trái phép ở biển Đông hôm 27-10, Bắc Kinh không cáo buộc Mỹ vi phạm “lãnh hải” hay “vùng đặc quyền kinh tế”, thay vào đó là đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc»và “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Vẫn với kiểu lấp lửng như vậy, Trung Quốc né mọi yêu cầu làm rõ bản chất pháp lý của những thực thể ở Đá Subi - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấn trái phép.

Sự nhập nhằng đó lại càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc không ngần ngại tỏ rõ về khả năng sử dụng vũ lực. Cụ thể, Sách trắng Quốc phòng 2015 của Bắc Kinh nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ “chủ quyền và lợi ích hàng hải trong trường hợp láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rạn san hô, đá, đảo” ở Trường Sa (của Việt Nam).

Vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không rõ ràng nên các bên liên quan khác không thể xác định nước này sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó càng làm tăng nguy cơ xung đột. Nhiều nước trong khu vực đang chọn chung một hướng đi, đó là không thể quay lưng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng lại thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Đỗ Quyên

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo