Giáo sư Liselotte Odgaard từ Đại học Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch. Ảnh: Fiia
Bài viết mở đầu bằng câu trả lời đáng chú ý của Thiếu tướng Diêu Vân Trúc từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh khi bị chất vấn tại diễn đàn Hương Sơn về quân sự hóa đảo nhân tạo ở biển Đông hồi tháng 10.
Lúc bấy giờ, để đáp trả những ý kiến lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc tìm cách xây dựng các đảo ở biển Đông đã gây leo thang căng thẳng quốc tế, bà Diêu đã hỏi vặn lại người chất vấn rằng: Quân sự hóa biển Đông nghĩa là gì? Nữ thiếu tướng cố tình né tránh vấn đề bằng cách lái câu chuyện về các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển châu Á, khi Mỹ duy trì hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia Odgaard, hai khía cạnh trong chiến lược hung hăng của Bắc Kinh đã phơi bày rõ lý do tại sao nước này mới là nhân tố chính gây căng thẳng ở khu vực: một là Trung Quốc cố tình nhập nhằng yêu sách cái gọi là đường lưỡi bò trên biển Đông, đồng thời lại tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.
Chỉ vài ngày sau phát ngôn của bà Diêu ở diễn đàn Hương Sơn, ngày 27-10, tàu USS Lassen của hải quân Mỹ bắt đầu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi lấn trái phép ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp và đe dọa lợi ích an ninh và chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng vẫn như mọi khi, họ lại không thể gọi tên chính xác Washington đã vi phạm loại tuyên bố chủ quyền cụ thể nào của họ. Vài ngày sau đó, Trung Quốc tiến hành tập trận chống xâm nhập đường không - đường biển trên biển Đông và triển khai 2 tàu chiến đối phó với hoạt động tuần tra của Mỹ.
Tấm bản đồ “Đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra đã và đang gây phản đối nhiều thập kỉ qua. Giới chức lãnh đạo nước này nhiều lần tuyên bố rằng nó là "một phần lãnh thổ" Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ. Trong bài phát biểu hôm 7-11 tại Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: "Các đảo ở biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải hợp pháp của Trung Quốc".
Khi bị lên án vì các hành động khiêu khích ngang ngược, giới chức Trung Quốc thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để phản đối. Trong vụ tàu USS Lassen tuần tra ở biển Đông vừa qua, Bắc Kinh không cáo buộc Mỹ vi phạm "lãnh hải" hay “vùng đặc quyền kinh tế”, thay vào đó Bắc Kinh nói Washington "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc" và “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Vẫn với kiểu phản đối chung chung như vậy, Trung Quốc đã tránh mọi trường hợp làm rõ các bản chất pháp lý của những thực thể ở Đá Xu Bị (ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấn thành đảo nhân tạo (trái phép) là gì. Và với kiểu tuyên bố nhập nhằng, mơ hồ như vậy, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ dám nói thẳng về chủ quyền của các vùng xung quanh đá Xu Bi như thế nào. Chính vì vậy, những tuyên bố của Trung Quốc luôn rất bí ẩn.
Sự nhập nhằng đó lại càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc đang tỏ rõ sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ đó bằng vũ lực. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015 của nền kinh tế số 2 thế giới tuyên bố rằng một mục tiêu của Trung Quốc là bảo vệ "chủ quyền và lợi ích hàng hải" trong các tình huống "nếu láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rặng san hô, đá, đảo" ở Trường Sa (của Việt Nam - PV).
Vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không rõ ràng, nên các bên liên quan khác không thể xác định Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột. Nhiều nước trong khu vực đang chọn chung một hướng đi, đó là một mặt không thể quay lưng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng mặt khác họ đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Giáo sư Liselotte Odgaard nhấn mạnh rằng chính sách mơ hồ của Trung Quốc có thể dẫn đến kết luận: Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trên biển Đông như một thách thức trực tiếp đối với các đồng minh của Mỹ, vì làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay.
Do đó, giới chức Washington không thể khoanh tay ngồi nhìn. Washington cần phải thể hiện rằng vùng biển quốc tế không thể biến thành ao nhà của Trung Quốc và các nước khác bị hạn chế. Và việc Mỹ điều chiến hạm tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông là một bước khởi đầu của sự thể hiện của nước này.
Bình luận (0)