Theo NASA, lỗ thủng của tầng ozone bảo vệ trái đất đạt mức cao nhất của năm nay vào tháng 9 - rộng khoảng 19,6 triệu km2. Tuy nhiên, lỗ thủng này bắt đầu nhỏ lại từ giữa tháng 9. Theo AP, diện tích nói trên to gấp 2 lần diện tích nước Mỹ nhưng vẫn nhỏ hơn diện tích năm ngoái khoảng 3,3 triệu km2 và nhỏ hơn diện tích năm 2015 là 8,5 triệu km2. Diện tích lớn nhất từng được ghi nhận của lỗ thủng tầng ozone là 29,86 triệu km2 vào năm 2000.
NASA bắt đầu theo dõi lỗ thủng tầng ozone kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985 Ảnh: ROBERT SCHWARZ
Ông Paul Newman, một nhà khoa học của NASA, cho rằng các điều kiện bão tố ở tầng trên khí quyển làm nóng không khí và ngăn các chất hóa học clo và brom ăn mòn tầng ozone. Tuy nhiên, theo AP, ông Newman cho biết các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được lý do một số năm có lỗ thủng tầng ozone nhỏ hơn so với những năm khác.
Cũng theo chuyên gia này, lỗ thủng tầng ozone thu hẹp trong năm nay chủ yếu mang tính tự nhiên nhưng cũng phần nào cho thấy xu hướng cải thiện dần sau khi một hiệp ước quốc tế năm 1987 cấm các hóa chất gây hại cho tầng ozone. Các nhà nghiên cứu hy vọng lỗ thủng sẽ dần thu hẹp xuống mức của những năm 1980 vào năm 2070.
NASA cùng Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ đã giám sát lỗ thủng tầng ozone kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985. Các cơ quan này đã sử dụng vệ tinh, khí cầu thời tiết và các thiết bị đo đạc trên mặt đất để nghiên cứu lỗ thủng. Ở độ cao khoảng 11-40 km so với trái đất, ozone bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím gây ra ung thư da, phá hoại mùa màng và những vấn đề khác. Các nhà khoa học tại Liên Hiệp Quốc cách đây vài năm khẳng định nếu không có hiệp ước năm 1987 thì đến năm 2030, thế giới sẽ ghi nhận thêm 2 triệu ca ung thư da.
Bình luận (0)