Cố kìm nước mắt, Tổng thống Ernest Bai Koroma hôm 15-8 kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời cho biết nhiều cộng đồng cư dân đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Ngoài ra, ông hối thúc dân chúng sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng. "Thảm kịch này một lần nữa khiến chúng ta đến với nhau, đứng bên cạnh nhau và giúp đỡ lẫn nhau" - Tổng thống Koroma tuyên bố.
Trước đó, nhiều ngôi nhà bị chôn vùi khi một phần núi Sugar Loaf đổ sụp xuống thị trấn Regent sau trận mưa lớn vào rạng sáng 14-8.
Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều nhất ở châu Phi trong những năm gần đây, theo nhận định của Reuters. Nhiều nạn nhân còn đang ngủ khi thảm họa ập đến.
Tìm kiếm người sống sót ở Regent - Sierra Leone hôm 14-8 Ảnh: REUTERS
Binh sĩ và lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người sống sót bị vùi dưới bùn đất và mảnh vỡ. Tuy nhiên, Hội Chữ thập đỏ Sierra Leone cảnh báo thời gian không còn nhiều.
Phát ngôn viên Hội Chữ thập đỏ Abu Bakarr Tarawallie ước tính ít nhất 3.000 người cần nơi trú ẩn, thuốc men và lương thực sau khi bị mất nhà cửa trong thiên tai. Ông cũng lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh tiêu chảy và thương hàn.
Lụt lội không phải là chuyện bất thường ở Sierra Leone, nơi nhà ở thiếu an toàn trong các khu định cư tạm thời có thể bị những trận mưa lớn cuốn trôi mất.
Ngoài ra, mưa thường xuyên xảy ra tại các khu vực trong và chung quanh thủ đô Freetown, một thành phố duyên hải chật chội đối với dân số hơn 1 triệu người.
Không chỉ gây tang thương ở Sierra Leone, thiên tai còn đang tàn phá 3 quốc gia Nam Á là Ấn Độ, Nepal và Bangladesh.
Theo báo The Guardian, lũ lụt và lở đất đã khiến gần 250 người chết và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa tại nhiều khu vực ở 3 nước này trong mấy ngày qua.
Riêng ở Nepal, chính phủ đối mặt làn sóng chỉ trích vì không ứng phó đủ nhanh với thiên tai, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.
Bình luận (0)